Old school Easter eggs.
Đọc truyện


Chap 38: Hãy tránh xa con trai tôi ra!

Tháng năm là một mốc rất quan trọng đối với Long, vì thế thời gian này anh ấy dành hết sự tập trung cho công việc và thi cử, mọi ngày trong tuần chúng tôi đều ngồi lì trong thư viện từ sáng tới chiều, thi thoảng vào những buổi chiều chủ nhật tôi sẽ sang làm cơm cho Long ăn tẩm bổ. Tôi có một thói quen rất kì cục là thích quay clip mọi lúc mọi nơi, khi Long quét nhà, khi Long rửa bát, khi Long tắm cho Tom, mọi hành động của Long đều được tôi ghi lại trước sự phản đối quyết liệt từ anh ấy. Long mắng tôi toàn làm trò ngớ ngẩn khiến anh bực mình, nhưng anh không biết rằng tôi làm gì cũng có lý của riêng mình. Có lẽ thời gian trên Mai Lĩnh ở cùng Hiền khiến tôi cũng bắt đầu bị lây tính thích làm người dẫn chương trình như em ấy, ví dụ như khi Long rửa bát, tôi sẽ hớn hở chạy lại và nói rằng: “Vâng! Xin chào các bạn. Đây là Long, Long là tiểu đệ của tôi, tiểu đệ của tôi đang rửa bát, cậu ấy đang đập hai cái bát vào nhau, cái nào lành lặn thì sẽ được xếp lên chạn ạ. Quả là một quyết định gay cấn, chiếc bát nào sẽ giành chiến thắng đây?” Ngay sau đó thì Long sẽ quay ra, lườm cho tôi một cái khiến tôi sợ chết khiếp, vội vàng tắt máy chạy ra xa chơi với Tom ngay lập tức. Tôi rất sợ vẻ mặt của Long khi đang nhăn nhở thì lại đột ngột chuyển sang lầm lì, anh ấy vốn rất hiền, hay nhường nhịn để tôi trêu chọc, nhưng nếu tôi lỡ làm gì quá lố thì chỉ có mức cắm đầu vào sọt mà chết thôi! Vì vậy, sau một thời gian quen nhau cũng khá lâu, tôi bắt đầu tự sinh được cảm nhận cảnh giác về trạng thái của Long, chỉ cần cảm giác có chút thay đổi là tôi phải tự biết đường mà dừng lại ngay.





Cuối tuần, chúng tôi vẫn hay lôi Tom ra tắm, em ấy rất thích tắm, lúc tắm thường quẫy đuôi loạn lên khiến bọt xà bông bắn tung tóe lên mặt mũi của chúng tôi, Tom đã khỏe lại còn nghịch kinh khủng. Nhưng lúc sấy xong, miệng nó cứ thè lè lưỡi ra, cảm tưởng như đang cười rộng ngoác đến tận mang tai, lăn lê bò toài trong sung sướng, tự mãn rũ rũ bộ lông dày màu trắng muốt cực kì mềm mượt của mình. Mỗi lần Tom tham gia hội trại của những người yêu chó, các em “gái” chỉ có nước chết đứng. Buổi tối, Long lại nhắc tôi mang cả Jerry sang cho đi dạo cùng Tom, hai đứa nó lâu ngày mới được gặp nhau, quấn nhau gần chết, nhìn như thế chẳng ai phủ nhận được rằng Tom và Jerry chính là một đôi. Jerry lúc nào cũng nghênh ngang đi trước, để cho Tom lẽo đẽo theo sau, khi nào Tom hứng lên liếm láp quá đà, Jerry chỉ cần “ngheo ngheooo” một tiếng là Tom sẽ lập tức ngồi im ngay. Nhiều lúc, tôi còn chẳng hiểu con mèo này đang nghĩ chúng tôi là chủ hay nó mới là chủ. Gọi nó, nó không thưa, nhưng chỉ cần nó thích, nó sẽ lập tức đủng đỉnh chạy tới, ngồi ệt xuống trước mặt hoặc nhảy phắt lên đùi tôi đòi vuốt ve, cứ như bà chủ với nô tì vậy.



À! Còn một chuyện bi hài nữa, hôm nọ lúc tôi vừa mới đi chơi về, vừa bước chân vào nhà mình đã nghe thấy tiếng loảng xoảng từ đằng sau, rồi ngay sau đó lại thấy Jerry như mất hồn, chạy bán sống bán chết phi qua cánh cửa bằng gỗ thông gió sau nhà, chạy dúi dụi về phía sau tôi, trốn tránh. Tôi đang lơ ngơ không hiểu có chuyện gì thì một con mèo màu trắng, dáng vẻ sồ sề như mụ bán hàng thịt đột ngột xuất hiện, hình như nó đang đuổi theo Jerry nhà tôi, vẻ mặt trông vô cùng hung giữ. Phải mất vài giây sau tôi mới kịp định thần lại để phân tích mọi chuyện, con mèo trắng kia chính là mèo cưng của nhà bác Liên, đã thọ sáu năm rồi, không biết nó ăn cái gì mà to như một con chó ta, chả bù Jerry nhà tôi, ăn thế ăn nữa thì vẫn quắt, thế mà Jerry rất bướng, phàm đi đâu cũng vênh mặt làm bậy, chắc lần này lại vô tình đụng phải đối thủ khi đang mon men sang sân thượng nhà bác Liên nên mới bị Nhan Nhan cào cho túi bụi thế này. Tôi xót xa bế phốc Jerry lên, nhìn mặt nó bị cào thảm hại, một bên mắt còn như rách cả tròng, điên tiết quá, tôi liền đặt Jerry lên chiếc bàn ăn cao lênh khênh nhà mình, rồi từ từ giả vờ tiến đến, kêu “meo meo” dụ dỗ Nhan Nhan, hòng lùa nó chạy lại phía mình. Nhan Nhan trước nay luôn tỏ ra hiền lành, đần độn trong mắt mọi người, nay lại trở nên cực kì tinh quái, tôi phải khó khăn lắm mới bắt được nó, đang định đập cho nó một phát vào lưng thì bác Liên đã đột ngột xuất hiện, đòi ngay mèo của mình về. Thấy thế, tôi cũng đành ngậm ngùi trả Nhan Nhan lại cho bác, thầm hứa với lòng nhất định sẽ có ngày trả thù cho Jerry.



Lúc trực đánh Nhan Nhan, tự dưng trong đầu tôi lại nảy ra một suy nghĩ liên tưởng rất buồn cười, tôi thấy Jerry thật giống Ly, hung hăng thô bạo, gặp đâu đánh đấy, còn Nhan Nhan tưởng chừng rất hiền lành, dễ bắt nạt, nhưng Jerry chỉ cần vô tình đụng vào địa phận của nó, nó lập tức đập cho tơi bời. Nghĩ đến đây, tôi lại nhớ tới nắm đấm trời giáng hôm mình tặng cho cái Ly, thật sự mà nói lúc đấy tôi đã hơi quá tay khiến cô ta mất ăn suốt mấy ngày trời, bình thường kiểu đấm đó đến cánh đàn ông còn cảm thấy đau, huống hồ là đàn bà. Nhưng trước nay tôi đánh ai cũng đều có một quy luật, tôi học võ là để tự vệ, phàm không phải kẻ gây thù chuốc oán khiến tôi căm ghét thì không bao giờ động thủ trước khi họ chủ động đánh mình. Lần này là do Ly không cẩn thận đã động thủ nhầm đối tượng, ăn đòn cũng là xứng đáng thôi. Chỉ trách cô ta không có mắt nhìn người. Hà hà!





……….



Vào một buổi chiều mát mẻ cuối tháng tư, Long rủ tôi đi chơi bóng rổ cùng hội bạn của anh ấy, đã lâu lắm rồi tôi không được đụng vào quả bóng rổ nên cũng vô cùng hào hứng, ai ngờ tới nơi, anh ấy lại chỉ cho tôi ngồi im một chỗ trên khán đài, còn trầm giọng nhắc nhở rất nghiêm túc như thế này: “Hôm nay huynh làm khán giả thôi, nhớ cổ vũ cho đệ! Hôm nay đội của đệ thi đấu với một đội khác, không đùa được đâu, ngồi yên đó đừng làm loạn đấy!” Tôi ngồi trên khán đài, vừa nhìn vừa thấp thỏm, vừa mong Long thắng lại muốn anh ta cho mình vào chơi cùng, nhìn quả bóng màu cam cứ di chuyển thoăn thoắt trên sân thật khiến tay chân tôi thừa thãi, chốc chốc lại nhấp nhổm như phải bỏng.



Hôm nay đội của Long đấu với một đội bạn, đây không phải trận đấu giao hữu, là trận đấu thi thố rõ ràng nên dường như tâm trạng rất tập trung, không còn vẻ cợt nhả như hôm cho tôi chơi cùng nữa. Ngày hôm nay trên khán đài cũng có một chị nữ đang ngồi cùng hàng với tôi, chăm chú xem trận đấu, nhưng vẻ mặt lại có vẻ như chả hiểu gì, tôi thấy ánh mắt chị ấy chỉ chăm chăm dõi theo anh mặc áo số 5, thấy vậy, tôi liền nhích người xích lại gần chào hỏi.



- Hi chị! Chị đến xem người yêu thi đấu ạ?



Nhìn thấy tôi hồ hởi tiến lại gần, chị ấy chỉ khẽ mỉm cười, một nụ cười rất dịu dàng, như làn nước mùa thu vậy. Tôi khẽ ngây người trước nụ cười mỉm ấy, cảm thấy chưa bao giờ mình bị rung động bởi nét đẹp duyên dáng của người con gái Việt Nam đến vậy, chị ấy rất nhẹ nhàng, mọi cử chỉ đều khiến người ta phải ngưng lại nhìn.



- Không. Chị đến xem bạn thi đấu thôi. Còn em?



Đấy! Đến giọng nói cất lên cũng cho thấy đây là người con gái hết mực nhu mì nữa, vậy là tôi đành mạo phạm hỏi tiếp.



- Hi hi! Em cũng thế ạ! Bạn em kia kìa! À mà đâu… tiểu đệ của em đấy!



- Hử… tiểu đệ?



Chị gái xinh đẹp vừa mới trố mắt nhìn theo hướng tay tôi chỉ, còn chưa kịp để tôi trả lời thì trận đấu đã tạm dừng để dành cho giờ giải lao, khi tiếng còi vừa vang lên, Long liền lập tức chạy về phía tôi, rồi còn kéo theo một anh rất là cao to đẹp trai nữa. Ôi ôi… hai cái người này…



Tôi vừa nghĩ, vừa ôm mặt thầm xấu hổ, đúng lúc đó thì anh đẹp trai kia cũng tiến về phía chị xinh đẹp, thì ra họ chính là “bạn” của nhau. Tôi bỗng cảm thấy câu “trai tài gái sắc” chính là để dành cho hai người này. Thấy tôi cứ nói chuyện ríu rít cùng chị xinh đẹp, Long liền cười niềm nở, rồi tỏ vẻ ngạc nhiên hỏi.



- Ơ! Huynh quen chị Nhi à?



Ồ… thì ra chị ấy tên là Nhi, sau này tôi mới biết chị ấy tên đầy đủ là Vương Yến Nhi, còn cái anh đẹp trai nhưng hơi thấp hơn Long một xíu kia tên là Vịnh Hải Thiên, là người gốc Hoa. Theo như Long kể thì anh ấy là kiến trúc sư, đang công khai chinh phục chị Nhi, còn chị Nhi là một bác sĩ thú y mới vào nghề, nhìn chị ấy xinh như thế thì anh Thiên kia cũng chết mê là đúng thôi. Đến tôi còn chẳng tránh khỏi nữa là…



Trận đấu ngày hôm nay kéo dài hơn một tiếng đồng hồ, tôi ngồi trên khán đài, ngáp ngắn ngáp dài, may mà có chị Nhi thỉnh thoảng lại nói chuyện vài câu, chị ấy không nói nhiều, nhưng lại là người biết lắng nghe, dường như chị ấy rất có hứng thú với câu chuyện “tình huynh đệ” của tôi và Long, nên mỗi khi tôi kể hết một chuyện, chị ấy đều hào hứng nghe tiếp. Sau đó, chị Nhi còn vô tình buột miệng nói ra một câu này khiến tôi nóng ran cả mặt: “Hôm nay chị nghe anh Thiên nói Long sẽ đưa người yêu đến xem thi đấu, nên anh ấy mới kiên quyết rủ chị đi cùng sợ bị lép vế, không ngờ hai người lại cứ gọi nhau là huynh đệ! Hi hi!”



Chị Nhi nói xong, tôi đờ cả người, hai má cứ đỏ rực lên, không sao hạ nhiệt nổi. Vậy là kể từ lúc đó cho đến khi trận đấu kết thúc, đầu óc tôi cứ bị ám ảnh bởi câu nói bâng quơ ấy mãi. Thì ra đằng sau lưng tôi, Long đã tự đặt tôi vào vị trí người yêu của anh ấy khi giới thiệu với bạn bè rồi ư? Vậy tại sao cho đến tận bây giờ, anh ấy vẫn chưa một lần thổ lộ với tôi, rút cục thì tôi còn phải chờ đợi điều này đến bao giờ nữa…



Những suy nghĩ miên man khiến tôi mất tập trung suốt cả trận đấu, cuộc nói chuyện với chị Nhi cũng bắt đầu trở nên ngắn lại, cuối cùng, sau khi tiếng còi thông báo trận đấu chính thức kết thúc, bàn thắng nghiêng về đội của Long với tỉ số 32-28 khiến tôi như bừng tỉnh khỏi cơn mê, vội vàng đứng dậy vỗ tay ầm ĩ. Kết thúc trận đấu, mấy anh em quàng vai bá cổ nhau, hét lên sung sướng rất tưng bừng, sau đó mọi người còn rủ nhau đi ăn tối nữa, hai người con gái duy nhất ngồi trên khán đài cũng nhiệt tình đồng ý. Vậy là chúng tôi liền ra nhà gửi xe, chuẩn bị đến bữa ăn tối cùng mọi người. Lúc Long vào nhà gửi xe để lấy xe ra, vẻ mặt anh ấy vẫn còn vô cùng hào hứng, ngón tay trỏ móc chiếc chìa khóa vẫn còn xoay xoay trong từng bước đi phấn khởi, tôi nhìn theo mà không khỏi vui lây, vậy mà sau khi đi ra, tâm trạng vui vẻ ấy lập tức thay đổi, vẻ khó xử khi ánh mắt của Long nhìn lên tôi ngập ngừng định nói điều gì đó khiến tôi chợt cảm thấy lòng dạ như lửa đốt. Cuối cùng thì Long cũng không vòng vo thêm nữa, anh đành hạ giọng nói.



- Mẹ anh nói muốn chúng ta cùng ăn cơm tối.





Đã khá lâu rồi tôi không gặp lại mẹ Long, kể từ cái ngày anh ấy lên cơn sốt từ ba tháng trước. Ngoài những cuộc điện thoại mà bà gọi đến hỏi thăm ý tứ cậu con trai khi có tôi ngồi bên cạnh, ngoài những cuộc cãi vã không đáng có mà tôi ngồi đó chẳng khác gì người xem bi kịch, tôi vẫn chưa gặp lại bà. Nhưng sao ngày hôm nay, khi đứng đờ người trong thang máy chờ đợi sợi dây ròng rọc kéo tôi lên tầng năm gặp bà, tôi lại chỉ muốn chôn chân tại chỗ, mãi mãi dừng lại tại điểm này. Những bước chân sau khi bước ra khỏi thang máy càng lúc càng nặng nề, những linh cảm không lành của tôi thường ít khi sai lệch. Ở đằng phía xa kia là một người phụ nữ trung niên tầm năm mươi tuổi, mái tóc đen dày búi gọn lại ở phía sau, để những sợi tóc mai lưa thưa khẽ rơi trước trán, vừa nhìn thấy chúng tôi, bà liền ngồi nhổm dậy rồi vẫy tay cười tươi gọi.



- Hai đứa! Ở đây!



Long nắm lấy tay tôi từ phía sau, kéo tôi đi như xung phong ra trận trước, như thế nếu có bất kỳ mệnh hệ gì thì anh ấy sẽ gánh hết. Bước chân càng lúc càng lại gần chiếc bàn ăn hình tròn được trải khăn trắng bóc, tầm nhìn từ đây xuống quang cảnh phía dưới thật đẹp, ánh đèn đường đã lên ngôi hòa lẫn với cái thăm thẳm của màn đêm, nhưng sao tôi chẳng còn tâm trạng đâu mà tận hưởng sự thư thái đó, hai con mắt chỉ biết dán vào nhìn cô gái xinh đẹp đang ngồi cạnh mẹ của Long mà lòng như thắt lại. Đó chắc là vợ chưa cưới của anh.



Long cũng như tôi, khi nhìn thấy cô gái có mái tóc đen tuyền dài ngang lưng, kiểu mái bằng cắt ngang lông mày khiến cô thêm phần trẻ trung, cô gái này trông rất điềm đạm, tao nhã, tạo cho người ta có cảm giác quý phái khác xa với vẻ xô bồ của Ly, anh chỉ khựng lại vài giây, rồi ngay tức khắc lấy lại vẻ bình thản, kéo ghế mời tôi ngồi xuống. Tôi lặng lẽ ngồi xuống bên cạnh Long, cúi đầu chào bác và cô gái trẻ, vẻ gượng gạo vẫn còn chưa thoát khỏi trong ánh mắt. Một lát sau, người phục vụ đưa thực đơn tới, tôi cầm trong tay chiếc thực đơn bằng bìa cứng, cảm giác như mồ hôi trên tay mình sắp chảy ra mềm nhũn cả tờ giấy đang cầm, may mà có Long giúp đỡ, anh nhẹ nhàng rút tờ thực đơn ra và gọi hai suất giống hệt nhau cho chúng tôi. Ánh mắt mẹ Long khẽ liếc nhìn, một thoáng không hài lòng hiện lên trên vẻ mặt khó đoán ấy. Cả buổi tối, mẹ Long ăn rất thanh đạm, bà không dùng đồ có đường, càng không ăn quá đậm, tôi có cảm giác như tất cả các món mà bà gọi ra đều nhàn nhạt và vô vị. Phải chăng đó là khẩu vị của người già?



Trong suốt cả bữa ăn, bà không ngừng nhắc nhở “hai đứa” về chuyện kết hôn, cứ chốc chốc bà lại đặt dĩa xuống nhìn thẳng vào Long mà nói, xong lại quay sang nhìn tôi cười hiền từ đầy ẩn ý. Dần dà, tôi bắt đầu thấy sợ cái nhìn đầy thân thiện ấy.



- Long, con nói xem đám cưới nên tổ chức vào tháng 9 hay tháng 10 thì đẹp? Ngày xưa mẹ và bố con cũng tổ chức hôn lễ vào tháng 10 đấy! Trời lúc ấy vừa khô vừa mát, không lo mưa nắng, cô dâu lại thoải mái chọn đồ, mặc gì cũng đẹp.



Bà vừa nói, vừa đánh mắt sang nhìn Vy, cô gái vừa du học từ Nhật về, là con gái của một người bạn của bà, chỉ cần nhìn qua cũng thấy từ học thức đến diện mạo đều khiến mẹ của Long hết mực ưng ý. Những lúc ấy, Long không trả lời, chỉ lặng lẽ đưa tay xuống gầm bàn, lần mò tìm kiếm bàn tay dính đầy mồ hôi của tôi rồi bất ngờ nắm chặt lấy như một liều thuốc để trấn an. Suốt cả bữa ăn, không khí diễn ra thật ngột ngạt, cô gái kia cũng hết sức kiệm lời, chỉ thỉnh thoảng mới đáp lại vài câu hỏi khách sáo của mẹ Long, đứng từ khía cạnh của tôi mà nói thì có vẻ cô ấy cũng không mặn mà gì với hôn sự lần này cho lắm. Cách cư xư của người con gái này rất lịch sự, rất khó đoán xem trong lòng cô ta đang thật sự chất chứa những cảm xúc gì.



Tám giờ tối, Vy khẽ nói nhỏ vào tai mẹ Long rằng cô có việc phải về sớm, lúc này tôi mới thầm thở phào nhẹ nhõm, cuối cùng thì cũng được thoát nạn, nhưng không, ngay khi Long vừa đứng dậy định cùng tôi cúi chào mẹ thì bà liền lập tức đanh giọng lại, nói rằng anh hãy đèo Vy về còn tôi thì để bà ấy đưa về cũng được. Một thoáng bối rối bỗng xuất hiện trên khuôn mặt vốn giữ được nét bình thản từ đầu đến cuối của Long, ngay lập tức, tôi liền mỉm cười rồi theo bà đi về phía nhà gửi xe, vui vẻ chào Long cho đến phút cuối cùng.



Chiếc xe bốn bánh từ từ lăn đi rồi như biến mất vào màn đêm lạnh lẽo, ngồi bên cạnh người phụ nữ từ tốn đến mức đáng sợ này, tôi lại càng cảm nhận được sự lo lắng, bất an đến cao độ. Không khí của bữa ăn khi nãy vốn đã ngột ngạt, không khí trong chiếc xe màu đen không hề có ý định mở cửa số này còn càng ngột ngạt hơn. Nói sao bây giờ nhỉ? Chả nhẽ lại buột miệng nói rằng: “Bác ơi, cháu say xe sắp nôn ra đây rồi! Bác mở cửa cho cháu với!” Tôi không dám nói thế, vậy là đành kiên nhẫn chịu đựng sự nôn nao, thấp thỏm, chưa bao giờ tôi khao khát được trở về nhà mạnh mẽ như lúc này.



Không gian như đang chìm trong im lặng, tôi cứ nghĩ rằng bà ấy sẽ giữ im lặng cho đến phút cuối cùng, nhưng không, đi được nửa đường, mẹ Long bất ngờ lên tiếng.



- Anh em các cháu ngày càng thân thiết nhỉ?



Bà ấy nói, nhưng mắt vẫn nhìn thẳng về một hướng xa xăm, không hề có ý định quay sang nhìn tôi, trước sự thiếu nhiệt tình này, tôi cũng thờ ơ đáp lại.



- Dạ vâng!



Thấy thế, người phụ nữ ấy liền thở dài một tiếng, rồi lại dùng giọng mỉa mai nói thêm một câu ngắn gọn nhưng đầy ngụ ý.



- Nhưng mà thằng Long nó sắp lấy vợ rồi. Cháu xem, giờ phải làm sao?



Một câu nói ngắn gọn, đầy đủ cả thông báo, thăm dò lẫn nghi vấn. Bác nói xem, cháu phải làm sao? Có phải ý bác là: “Thằng Long nó sắp lấy vợ rồi, có một người ‘em gái’ thân thiết như thế thì không thể được. Cứ để như vậy sao thằng Long nó có thể toàn tâm toàn ý mà đến với cô vợ chỉ mới gặp đôi ba lần của nó. Rồi chuyện này sẽ gây khó xử đến cả cái Vy nữa, thử hỏi người vợ nào chấp nhận chồng mình lại thân thiết với một cô em gái họ hàng, máu mủ đều không có như thế? Cháu xem, giờ cháu phải làm sao?” Rõ là có ý muốn đuổi khéo tôi đi là vừa. Nhưng chuyện này, Long có chấp nhận không?



Không. Không hề. Đó chính là lý do khiến cho những cuộc cãi vã qua điện thoại giữa hai mẹ con anh ấy ngày càng trở nên gay gắt, người “ngoài cuộc” như tôi cũng vì thế mà cũng càng lúc càng khó xử. Tôi ngồi lặng im, mím môi không biết phải trả lời sao cho vừa lòng cả đôi bên. Một lúc sau, bà ấy lại tiếp tục mở lời, lần này thì không còn vòng vo nữa, có lẽ đã đến lúc bà muốn ngả bài ngửa, tôi cũng đành cắn chặt răng chấp nhận.



- Bác biết hai đứa không đơn thuần chỉ là anh em. Lời nói dối ngô nghê ấy sao có thể qua mặt bác? Nhưng hai đứa vốn không đến được với nhau, không phải bác ghét bỏ gì cháu, cháu cá tính như vậy, bác cũng rất quý, nhưng bản thân cháu cũng đâu muốn làm con dâu của bác? Nếu hai đứa đã không thể đến được với nhau thì hãy sớm giãn ra đi, đừng khiến những người xung quanh trở nên khó xử. Chuyện đã không thành thì nên kết thúc sớm. Cháu hiểu ý bác chứ?



Tôi vẫn giữ sự im lặng một cách khổ sở, tạm thời không biết phải nói gì, nhịp tim đập mạnh đến độ não chưa kịp phân tích thì tim đã muốn nổ tung vì những lời nhắc khéo ấy rồi. Đúng là tôi không thể đến được với Long, ngay lúc này, nhưng sau này, ai mà biết được đấy? Chỉ có điều, thời gian không cho phép, bác ấy không cho phép. Nếu cứ ép tôi phải kết hôn vào cái tuổi đôi mươi này, khi mà sự nghiệp còn chưa có trong tay thì tôi thà nhẫn tâm từ bỏ. Một cuộc sống hoàn toàn dựa dẫm vào đàn ông, không có lấy chút cơ sở vật chất để bảo đảm cuộc sống độc thân có thể xảy ra bất kì lúc nào, tôi không làm được. Có thể tôi suy nghĩ quá thực tế, quá cứng nhắc, nhưng chúng ta sống vì thực tế, không phải sống với những mơ mộng viển vông. Kết hôn vào lúc này là điều không tưởng. Bởi vậy, tôi đành chọn cách im lặng, tham lam vừa không muốn mua dây buộc mình, lại vừa không muốn buông tay thả diều bay đi mất.



Ý tứ của mẹ Long đã quá rõ, sau này chuyện của chúng tôi chắc sẽ khó thành, muốn tiếp tục duy trì mối quan hệ “huynh đệ” cũng không phải là dễ, tôi ngồi trong chiếc xe bốn chỗ ngột ngạt, cảm nhận được sự nặng nề đang đè nặng con tim, cảm giác bất lực như đang thao túng toàn bộ tâm trí, trong chốc lát không thể cho bác bấy một câu trả lời thỏa đáng, chỉ biết cắn răng im lặng cho đến tận lúc ra về.



Trước khi tôi bước ra khỏi xe, bà ấy vẫn còn nhắc khéo thêm một lần nữa.



- Cháu hãy nhớ những lời bác nói, suy nghĩ kĩ đi nhé!



Khi tôi vừa trở về nhà, ánh đèn hắt hiu trong con ngõ nhỏ như đang bao trùm lên người con trai dáng vẻ thanh cao đang đứng dậm chân mờ ẩn trong làn khói trắng, vừa nhìn thấy tôi, cái bóng đen ấy lập tức giật mình rồi đưa chân di di mẩu thuốc lá đã lụi tàn, nhưng dư âm thì vẫn còn cháy âm ỉ… hệt như chuyện tình cảm của đôi trai gái, dù cho có muốn kết thúc hay không thì bản thân cũng không thể ngăn nổi tình cảm của mình tiếp tục bùng cháy. Tôi khẽ khựng lại, bước thêm vài bước rồi bỗng dưng đứng im, chân như chôn chặt dưới lớp bê tông dày đặc, mặc dù lực hút như đang ở ngay phía trước nhưng tay vẫn không ngừng nắm chặt quai túi xách, nhễ nhại mồ hôi đứng lặng im. Cứ chờ tôi mãi thì cũng không được, Long đành lững thững bước lại, vẻ lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt anh, Long nói.



- Huynh không sao chứ?



- Có thể sao được chứ?



Tôi khẽ xua tay, thật ra để tránh bàn tay anh đang vô thức đưa lên sắp chạm tới mặt mình, nghiêng người, né tránh, tôi vội vàng chạy tuột vào trong nhà mình, rồi xua Long như đuổi tà, bảo anh về nhà nghỉ sớm. Tôi biết hành động của mình có vẻ kì quặc, nhưng thực sự lúc này đầu óc tôi đang vô cùng hoảng loạn, hoang mang đến độ không biết tiếp theo mình sẽ phải làm gì, bước tiếp hay dừng lại, mọi phán đoán đều là vô ích.





Đã lâu rồi tôi không mất ngủ, mẹ của Long quả là liều thuốc chống buồn ngủ hữu hiệu nhất, từng lời bà nói ra trong buổi tối ngày hôm nay khiến tôi không khỏi bận tâm suy nghĩ. Phải chăng tôi đang quá vọng tưởng về một mối quan hệ không rõ ràng, một mối quan hệ trá hình dưới vỏ bọc “anh-em” nhưng thực chất lại quan tâm nhau như đôi vợ chồng mới cưới. Sự khăng khít này có chăng chỉ là để tự lừa bản thân chứ liệu qua mắt được người ngoài không? Tôi khẽ cười nhạt, nụ cười chua chát, sự phản đối từ phía gia đình của người yêu, trước nay tôi chưa từng trải qua, thế nhưng khi trực tiếp được cảm nhận lại chẳng thấy nó hấp dẫn giống trong phim chút nào. Cái gì gọi là đối đầu, cái gì gọi là bền bỉ? Đó đều là những thứ tôi từng mắt thấy tai nghe… trên phim ảnh, nhưng bản thân lại chưa bao giờ trực tiếp trải nghiệm. Nói thật, tôi thấy khá hoảng, một người coi trọng phép tắc, kính trên nhường dưới như tôi thật khó để mà ra mặt chống chế lại mẹ của người tôi thầm yêu thương. Vậy là cả đêm, tôi cứ trằn trọc mãi, hết xoay bên này rồi lại vẹo sang bên kia, không sao ngủ được, cuối cùng rơi vào ác mộng từ lúc nào không biết. Trong mơ, tôi mơ thấy mình đang mặc một bộ váy cưới màu trắng do tự mình thiết kế, chiếc váy rất đẹp, rất sang trọng, hai tay tôi đang đeo găng màu trắng, nhẹ nhàng cầm chiếc váy khẽ nâng lên, từ tốn bước đi trên bậc cầu thang sâu hun hút, xung quanh chỉ toàn một màu trắng xóa, chú rể hay thánh đường cũng chẳng thấy đâu. Thế rồi, bất ngờ có tiếng người cất lên gọi: “Mai ơi!” Tôi vội vàng quay đầu lại, đó chẳng phải tiếng của Long, mà lại như là tiếng của Long, trong lúc quay đầu, tôi không để ý, bất ngờ trượt chân ngã cái sượt một phát, cả người cứ thế lăn lông lốc xuống dãy cầu thang xoáy tròn sâu hoắm, nảy tưng tưng lên trong lớp váy bồng bềnh, nhìn hệt như một quả bóng vải đang lăn lộn giữa những bậc cầu thang… khiến mọi người đều cười chê, ai nấy đều hả hê nhạo báng. Cảm giác đó thật là xấu hổ, thật là nhục nhã, thật là hoang mang. Tôi chỉ ước sao chiếc cầu thang này cứ kéo dài mãi, dài mãi, không có điểm dừng, để hiện thực đừng vội vàng bày ra trước mắt… Cuối cùng khi tôi bàng hoàng tỉnh dậy, trời đã sáng tự khi nào, những ánh nắng mai của ngày cuối xuân lấp ló bên ngoài cửa sổ, từng tia nắng như vàng dệt lấp lánh chiếu xuyên qua khe cửa, khiến tôi bất giác không thể mở to mắt, chỉ có thể khẽ nheo lại, dụi dụi như chú mèo con ngái ngủ. Đúng lúc đó, Jerry cũng từ đâu chạy tới, kêu ngheo ngheo vài cái rồi lập tức ngồi ệt lên tấm chăn vẫn còn đắp nửa trên đùi tôi, khiến tôi ngớ người không sao động đậy. Tôi khẽ thở dài, nhìn con mèo con nằm cuộn tròn mình giả vờ ngủ nướng, rồi nhẹ nhàng nâng hai mép chăn lên, bế “em bé” rời khỏi chân mình đặt vào một góc giường, lấy bốn cái gối chặn lại xung quanh thành một cái ổ tạm thời cho nó ngủ. Jerry rất chảnh, ăn khảnh, uống khảnh, ngủ cũng khảnh, nó mà đã ngủ được rồi thì đừng dại mà đụng vào, nếu liều mạng lỡ làm mất giấc ngủ của nó, thế nào nó cũng lẽo đẽo chạy theo mà cắn cho sứt chân, sứt tay thì mới thôi.



Một buổi sáng thật đẹp, cái nắng cuối tháng tư không quá gay gắt, vừa đủ để tôi có thể nằm ườn trên sân thượng để sưởi nắng, từng đợt gió nhè nhẹ vẫn còn vương vấn tiết xuân sắp tàn. Lại một lần nữa tôi hì hục trèo lên sân thượng, dường như đây đúng là nơi để trút bỏ tâm tư, chỉ cần ngồi lặng im hóng gió một lát thì mọi phiền muộn cũng theo đó mà bay đi hết. Những kí ức về giấc mơ kì quái đêm qua vẫn còn thoắt ẩn thoát hiện, tôi không nhớ được nhiều, mọi chi tiết chỉ còn mập mờ, đứt quãng… Bỗng, một cuộc điện thoại vang lên, tôi vội vàng bắt máy, rồi lại thần người ra trả lời.



- A lô?



- Dậy chưa? Đi ăn sáng nhé!



- Chờ huynh một lát.



……….



Cuối tháng tư, thi thoảng trời vẫn còn se lạnh, những đợt gió man mát nhẹ nhàng như làn nước mùa thu vẫn mơn man trên da thịt, sáng sớm, tôi lại cùng Long đi tập thể dục, mặc cho giờ này đã là giờ người ta đi làm, đi học, thì hai chúng tôi vẫn một trai, một gái, một em cún chạy thong dong trên con đường lát gạch uốn vòng quanh mặt hồ. Hôm nay tôi đã được chứng kiến một chuyện rất buồn cười, không hiểu cái Ly nghĩ gì mà cũng bày đặt mặc đồ thể thao rồi chạy nghênh ngang ra chắn giữa đường đi của chúng tôi, đặc biệt, Ly lại chạy ngay trước mũi của Tom, vậy là chả cái dại nào bằng cái dại nào, Tom vốn không phải loại thích chĩa mũi vào mông người khác, thế là nó liền điên tiết lên sủa cho vài cái rồi như bị mất kiểm soát, lập tức gầm gừ đuổi theo khiến Ly chạy mất dép. Sáng sớm đã được chứng kiến màn rượt đuổi đổ cả mồ hôi sôi cả nước mắt của Ly, tôi cả Long không khỏi vừa đứng vừa cười vặn vẹo cả dạ dày, cuối cùng đói quá, anh đành gọi Tom về rồi cả ba cùng đi ăn. Long nói muốn ăn sáng ở nhà, mà chợ thì cũng ở ngay gần đó, thế là tôi rủ anh ấy vào chợ, mua một ít nguyên liệu về để chế biến bữa sáng- món bánh pudding ngô mặn.



Lần trước vì Long đã hoàn toàn một mình làm chiếc bánh sinh nhật cho tôi, thế nên lần này tôi đành… xung phong đảm nhiệm bữa ăn sáng cho anh ấy. Món này tôi đã làm đến nhờn tay, đến nay thì khẩu vị tự mình cũng không chê vào đâu được, lúc đợi bánh nướng chín trong lò, mùi ngô ngọt hòa quyện với mùi bơ pháp tỏa ra ngào ngạt thơm phưng phức, đến lúc bánh được đưa ra ngoài thì đã chín vàng khắp mặt, ngả màu mật ong trông cực kì ngon mắt. Tôi nhanh tay rút lấy một chiếc thìa, cắm vào một góc bánh rồi đưa lên đút cho Long ăn, anh ấy vừa ăn, vừa cười tít cả mắt rồi vội vàng đưa ngón tay cái lên, làm hiệu “Ok!!!” Căn phòng thoáng chốc đã ngập trong tiếng cười.



Những ngày tiếp theo, mặc cho những cuộc điện thoại của mẹ Long ngày càng xuất hiện với tần suất dày đặc hơn, chúng tôi vẫn tiếp tục gặp nhau, như thể chính thức công khai đối đầu. Mặc dù vậy, mẹ Long vẫn không hề trực tiếp ra mặt, nhưng chỉ cần ngồi im một chỗ nghe mẹ con anh ấy cãi vã về việc Long không muốn kết hôn còn bà thì càng giục anh ấy cưới sớm cũng đủ khiến tôi khó xử vô cùng. Có những lúc, sự căng thẳng ấy lên đến đỉnh điểm khiến Long quát to đến nỗi em Tom đang nằm im say giấc trên sa-lông cũng phải giật mình tỉnh dậy, kêu ăng ẳng, những lúc đó, tôi thấy đau bụng vô cùng, cơn đau của tôi khiến Long lập tức dịu lại, anh ấy nói tôi cần phải đi khám bác sĩ, nhưng tôi nghĩ đó chỉ đơn giản là đau đến ngày. Mặc dù, “ngày ấy” mãi mà chưa thấy đến.

Vào một buổi trưa giữa tháng năm, khi chúng tôi đang quây quần bên mâm cơm ấm cúng với những món sườn rim cốt dừa, gà nướng bơ chanh, canh rau củ màu sắc rất hấp dẫn, chỉ còn chờ hai đứa gõ đũa lẻng xẻng là ăn cơm. Dạo này Long cũng bắt đầu quen với những trò lố của tôi, anh ấy không còn né tránh máy quay nữa, ngược lại còn rất tự tin giơ tay chữ V vào giữa camera rồi tự lảm nhảm một mình. Trong lúc Long đang hồ hởi giới thiệu từng món ăn như là: “Xin giới thiệu với các bạn đây là món sườn rim cốt dừa, món này được chế biến từ sườn lợn, đại ca của tôi thích ăn thịt nên đã chọn loại sườn thịt rất dày miếng, sau đó thì rim với nước cốt dừa tạo nên vị rất ngậy và thơm. Nhưng mà chỉ có chúng tôi ngửi thấy thôi, các bạn xem clip không cảm nhận được đâu. Lêu lêu!” Long vừa nói, vừa bụm miệng xấu hổ cười khùng khục, đúng lúc đó, tiếng khóa cửa lại đột nhiên vang lên lạch cạch, người phụ nữ trung niên đạo mạo bước vào, vẻ bất ngờ như cứng đơ trên khuôn mặt ngạc nhiên của chúng tôi, nhưng cũng không thể để bà đứng đó mãi, tôi liền chạy ra kéo ghế mời bác vào ăn cơm cùng. Bữa ăn bỗng nhiên trở nên nặng nề từ giây phút đó. Mọi hành động, mọi lời nói của hai đứa đều trở nên dè dặt, cẩn trọng đến từng hơi thở, cho đến khi bữa ăn quýnh quáng trôi qua nhanh chóng, tôi đương định rửa bát xong thì xin phép ra về, nhưng mẹ Long lại bất ngờ gọi lại. Bà ấy muốn Long tạm thời tránh mặt để có chút không gian riêng nói chuyện với tôi.



- Long, con ra ngoài đi. Mai, cháu ở lại đây, bác có chuyện quan trọng muốn nói.



Giây phút đó… đã từ rất lâu rồi… tôi không còn có cảm giác như tim mình sắp sửa ngừng đập.


Chap 39: Đã đến lúc em phải ra đi…

Long ngập ngừng nhìn tôi, vẻ lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt của anh ấy, nhưng tôi vẫn đánh mắt tỏ ý khuyên anh đừng chống đối mẹ, sau đó, Long đành lặng lẽ khép cánh cửa gỗ sơn màu trắng sứ, chầm chậm bước ra ngoài. Khi cánh cửa ấy từ từ khép lại, tiếng “cạch” vang lên như báo hiệu giờ tử hình sắp tới, tôi bỗng cảm thấy lòng mình rối bời vô cùng, chỉ ước gì giả như miệng mình là một cái khóa phéc-măng-tuya thì tôi sẽ kéo chặt nó lại, mãi mãi không bao giờ mở ra.

Sau khi Long đi khỏi, tôi từ từ quay lại nhìn mẹ Long, lúc ấy bác đã ngồi xuống ghế sa-lông, còn vỗ nhẹ tay ra hiệu gọi tôi ngồi xuống cùng. Cuối cùng thì đôi chân như đang hóa đá cũng phải chuyển bước, tôi ngồi xuống bên cạnh bà mà lòng lo nơm nớp, không biết bà lại chuẩn bị dành tặng cho tôi “Bài ca không bao giờ quên” nào tiếp theo đây.

- Bác uống trà chứ ạ?

Bỗng để ý thấy cổ họng bác ấy khẽ nuốt khan, tôi liền luống cuống đứng dậy, hỏi han như chủ nhà, bác hơi ngước ánh mắt ngạc nhiên lên nhìn tôi, rồi mỉm cười bình thản nói:

- Cho bác một tách trà không đường.

Nghe xong, tôi liền vội vã chạy vào trong phòng bếp, cố gắng tìm cách trốn tránh sự căng thẳng đang hiện hữu, vừa lần tay tìm trà, vừa thở phào nhẹ nhõm. Tôi đã làm quen với gian bếp của Long được ba tháng trời nên việc tìm tòi một thứ gì đó không phải là khó, không lâu sau, tôi đã pha xong cho bác một tách trà không đường và một ly café nâu sữa dành cho mình. Lúc bê khay bước ra, cảm nhận được sự run rẩy lẩy bẩy rung động trên mặt cốc, tôi chỉ mong mình đừng vấp ngã kẻo đổ ập hết tất cả ra sàn nhà. Cuối cùng thì cũng “hạ cánh” thành công, lúc hai bác cháu ngồi xuống và bình tĩnh uống nước, mọi thứ vẫn còn rất ổn, không khí vẫn còn chưa quá căng thẳng, cho đến khi, bác ấy bỗng mở miệng nói.

- Hai đứa cứ như vợ chồng mới cưới ấy nhỉ! Cái gì cũng biết thế này…

Bác ấy vừa nói, vừa khẽ mỉm cười khiến tôi lạnh cả người, suýt thì phụt hết chỗ café vừa lắng trong họng, nhìn thấy tôi có vẻ lúng túng, người phụ nữ ấy lại càng cười lớn, còn xua tay vẻ nửa đùa.

- Ha ha! Bác đùa ấy mà! Hai đứa là “anh em” thân thiết, sao có thể không rõ về nhau.

Hai chữ “anh em” thốt ra nghe có vẻ khá mỉa mai, tôi lén nuốt khan một cái, rồi gượng gạo cười theo, lòng thầm kêu khổ, không biết bao giờ mới thoát khỏi cái nạn này. Thế nhưng, khi nụ cười gượng gạo trên môi tôi còn chưa kịp tắt, bác ấy đã lập tức đổi giọng, lạnh ngắt như nước mùa đông.

- Thế hai đứa cứ định thế này mãi à? Ba tháng nữa thằng Long nó lấy vợ rồi đấy!

- Dạ…

Chữ “dạ” cất lên từ cổ họng tôi nghe sao khó khăn, nặng nề khủng khiếp, chưa bao giờ tôi cảm thấy mình khó xử đến mức này, không trả lời thì lại mang tiếng là thất lễ, dám bật lại thế nào cũng bị bảo là láo, thôi thì đành ngoan ngoãn im lặng nghe lời. Thấy tôi im im một lúc, bác ấy lại tiếp tục.

- Mai này, đã đến nước này thì bác cũng phải nói thẳng. Cháu tránh xa thằng Long nhà bác ra đi.

Tôi điếng người, lời nói ấy sao có thể nói ra lạnh lùng, thẳng đuột như vậy chứ? Thì ra cảm giác của các cô gái trong phim Hàn Quốc mà tôi thường xem chính là như thế này à? Chẳng khác gì bị dội cả một xô nước lạnh vào mặt, toàn thân ướt nhẹp, vừa lạnh vừa dính, không biết phải quẫy cựa ra sao. Cảm giác như lòng tự trọng của mình đã bị giày vò đến đỉnh điểm, cuối cùng, không thể nhịn nổi nữa, tôi đành phải buột miệng nói.

- Sao lại cứ phải như thế ạ?

- …?

Bác ấy không trả lời, chỉ khẽ quay sang nhìn tôi, nheo mắt như một dấu hỏi khó hiểu. Sợ bác ấy không hiểu hết ý, tôi đành cắn răng mặt dày trình bày cho rõ.

- Tại sao bác cứ phải ép anh ấy lấy vợ sớm như thế ạ? Đàn ông ba mươi tuổi lấy vợ còn chưa phải là muộn, huống hồ hai người này hoàn toàn không có tình cảm với nhau, cháu nghĩ điều này bác hiểu rõ.

Tôi nói xong mà chỉ muốn cắn đứt lưỡi mình luôn, tự cảm thấy bao nhiêu gan to mật lớn trước nay tích lũy được chính là để dùng cho lúc này hết, mẹ của người tôi yêu ngồi ngay trước mặt đây mà tôi cũng dám vặn lại như thẩm phán, thật không thể tin được. Thấy tôi cũng có vẻ lì lợm, bác ấy liền khẽ lừ mắt một cái, sống lưng tôi bỗng dưng lạnh toát, rồi mới đằng hắng nói.

- Nếu bác nói, bác chỉ còn sống được hơn một năm nữa thôi thì sao?

- Dạ?

Tôi sửng sốt, lời bác ấy nói ra như sét đánh ngang tai, khiến tôi choáng váng vô cùng, chữ “dạ” đáp ra trước khi tôi kịp nghĩ mình định hỏi cái gì. Nhìn bác ấy có vẻ ngoài đạo mạo, thanh tao như thế, không có lý nào lại là người sắp chết, tôi trợn tròn mắt, tách café trong tay tí thì trượt ra khỏi mặt bàn, may mà vẫn còn bình tĩnh để giữ lại. Tôi run rẩy đặt lại tách café đã dần nguội vào khay, rồi lại cố kìm mình bình tĩnh nghe cho rõ đầu đuôi câu chuyện.

- Bác bị tiểu đường, giai đoạn cuối rồi.

Bác ấy nói ra những lời này, cảm giác như rất khó khăn, nhưng lại vô cùng bình thản, có lẽ bản thân bác ấy đã chấp nhận sự thật từ lâu rồi. Tôi mơ hồ tưởng như đây là một lời đe dọa không có thật, nhưng chắp nối tất cả các sự kiện từ khi quen bác ấy cho tới hiện tại, tôi bỗng nhận ra đây không phải lời nói đùa. Căn bệnh này bố tôi cũng từng mắc phải khi một thân một mình sống ở nơi xa xứ, suy nghĩ xác định bỏ mạng tại nơi đất khách quê người đã khiến ông biệt tăm biệt tích, cắt đứt mọi liên lạc với gia đình nhằm tránh ảnh hưởng tới người khác. Bệnh này nguy hiểm đến thế nào, không phải tôi không biết. Thì ra ở bên cạnh, Long luôn mang trong mình gánh nặng gia đình như thế, bảo sao anh ấy không bao giờ dám làm trái lời mẹ, bởi vì anh ấy sợ một ngày mẹ sẽ bất ngờ ra đi. Cảm giác này tôi cũng hoàn toàn thấu hiểu.

Sau đó, bác ấy còn kể cho tôi một câu chuyện riêng tư khác nữa, chuyện về năm năm về trước, khi bên Long vẫn còn có bố và bác ấy cũng vẫn còn có chồng…

“Năm năm về trước, nhà bác từng rất khá giả, trong một lần cả nhà đi nghỉ mát lên tận Mai Châu, khi đi đến nơi rồi thì chồng bác lại có công chuyện đột xuất, buộc phải để bác và thằng Long ở lại còn một mình mình đánh xe đi về. Hôm ấy trời mưa rất to, con đèo đi từ trên núi xuống dưới xuôi vô cùng ngoằn nghèo và hiểm trở, mặc dù bác và Long liên tục can ngăn, nhưng ông ấy vẫn cố sống cố chết trách nhiệm quay trở về, để cho bác và Long phải chờ mãi… chờ mãi… Cho đến khi người ta bất ngờ báo tin… ông ấy không bao giờ quay trở về được nữa. Chặng đường trên con đèo ngày hôm ấy có một khúc cua người ta vẫn còn đang thi công dở, trong lúc đường trơn, sương khói mờ mịt, chiếc xe của ông ấy đã lao như tên bắn xuống vực núi…”

Bác ấy vừa nói, vừa ngước mắt lên trần nhà, dường như đang cố gắng ngăn cho hai dòng lệ không trào khỏi bờ mi, rồi khẽ hít một hơi dài, sau đó bác ấy bình tĩnh nói tiếp.

“Kể từ đó, thằng Long không còn bố, gia đình nhà chồng cũng không nhận bác nữa, họ nói tại bác và thằng Long đòi đi chơi nên ông ấy mới gặp tai nạn như thế, tất cả là lỗi tại bác, thế nên họ từ luôn đứa con dâu sát phu này đi. Thằng Long hồi đó mới vào đại học, chắc cũng xấp xỉ cháu bây giờ thôi, nhưng nó vẫn còn ngây ngô lắm, chuyện đó đã khiến nó trầm cảm trong suốt một thời gian rất dài, bác còn lo là nó sẽ trở thành tự kỉ nữa. Sau đó hai năm, bác phát hiện ra mình bị bệnh tiểu đường, lúc đó nhà đã chẳng còn gì nữa rồi, lại phải bán hết đi để chữa trị, bác chỉ hận không thể một dao chấm dứt đời mình, nhưng còn thằng Long, bác vẫn phải gắng làm cái nợ đèo bòng đời nó. Cuộc sống sau đó dần dần trở nên rất khó khăn, tinh thần của bác không tốt, căn bệnh cũng càng lúc càng biến chứng nặng hơn, tưởng chừng như không cầm cự nổi nữa, may mà nhờ thằng Long có ý chí, thương bác, nó bắt đầu lao vào kiếm tiền, lúc đầu vốn khởi điểm chỉ có vài trăm nghìn thôi, nó buôn bán xoay vòng vốn trên mạng đấy! Sau đó dần dà bắt đầu mở được cửa hàng đầu tiên tại nhà, phải vất vả lắm mới có được cơ ngơi như ngày hôm nay. Long rất thương bác, thời gian của nó gần như chỉ tập trung vào sự nghiệp để kiếm tiền chữa trị cho bác, đến nỗi cô người yêu cũ của nó vì tủi thân quá mà bỏ đi theo người khác. Bác cứ nghĩ, vì bác, nói gì nó cũng nghe, bảo gì nó cũng làm, vậy mà bây giờ nó lại kiên quyết chống đối bác như vậy…

Có lẽ cháu nghĩ bác là người ích kỉ, nhưng nếu cháu đứng vào vị trí của bác, chắc chắn cháu sẽ thấy khác. Bác chỉ đơn giản là một người mẹ sắp không còn sống được bao lâu nữa, quãng thời gian ngắn ngủi cuối đời rất mong được thấy con trai mình có thể yên bề gia thất, cưới một cô vợ ngoan, sinh cho bác một đứa cháu trước khi bác rời khỏi cõi đời này mà thôi. Mai… Cháu có hiểu không?”

……

Câu chuyện vừa kết thúc cũng là lúc Long nóng lòng quá mà vội trở về, nhìn Long lo lắng bao nhiêu thì vẻ mặt của tôi lúc này lại bình thản bấy nhiêu. Nhưng anh tuyệt đối không bao giờ biết được rằng, trước khi anh về, mọi chuyện giữa tôi và bác ấy đã được “dàn xếp” xong xuôi, tôi chỉ xin bác thêm một thời gian nữa, để tôi có thể ở cạnh Long chăm sóc anh ấy trong thời gian thi cử, sau khi Long khi xong, tôi rất định sẽ ra đi, tuyệt đối không làm bác ấy phải bận tâm nữa.

Người phụ nữ ấy đã nói đến vậy, đã dốc lòng ra kể cho tôi câu chuyện thương tâm mà trước nay bác ấy đều cố né tránh gợi nhắc đến vậy, liệu tôi có thể nhẫn tâm tiếp tục phá hoại hy vọng cuối cùng của bác ấy được không? Tôi còn trẻ, đường đời còn rất dài phía trước, không thể gan lì quyết đấu đến cùng với một người chẳng còn sống được bao lâu nữa như vậy được. Trơ tráo như thế thì còn ra cái thể thống gì?

Dù sao thì bác ấy nói cũng không sai, chuyện của tôi và Long hoàn toàn không có tương lai, kết thúc càng sớm, càng đỡ khổ đau lâu dài. Nếu tôi đã xác định không thể lấy anh ấy trong năm nay, vậy chi bằng kết thúc ngay bây giờ. Tôi không muốn mình trở thành kẻ nhẫn tâm chia cắt tình mẹ con, bài xích tình cảm gia đình anh ấy dựa trên sự ích kỉ, tham lam của mình. Nếu có được thành công mỹ mãn như vậy, chắc chắn bản thân tôi cũng không thể thấy vui. Có lẽ rồi sau này nhìn lại, tôi cũng chỉ như một người bước qua cuộc đời của anh ấy mà thôi. Chỉ mong rằng sau lần lướt qua nhau này… sẽ để lại dấu ấn đậm sâu, đừng mau chóng phai nhòa.

………………..

Tháng năm, năm 2013.

Cuối cùng thì ngày thi của anh ấy cũng đến, một tuần trước khi thi, chúng tôi vẫn phải cùng nhau vùi đầu “mài kinh sử”, rút cục thì bao nhiêu vốn liếng cũng chỉ là để mang ra sử dụng hết trong ngày hôm nay. Hôm nay tôi cùng Long đến trường thi, trước khi đi tôi đã không dưới năm lần hỏi Long: “Đệ chuẩn bị đầy đủ hết chưa?” còn Long thì cứ quýnh quáng trả lời: “Rồi rồi! Huynh nghĩ đệ là ai cơ chứ!” Vậy mà cuối cùng thì kiến thức để trong đầu, còn bao nhiêu thứ quan trọng còn lại, anh ấy quên hết sạch. Nào là ví tiền, nào là chứng minh thư, nào là bút bi, giấy dự thi, tất cả anh ấy đều nhét hết vào trong chiếc quần bò nào đó đang được vứt lăn lóc trong nhà vệ sinh mà hôm nay lại “quên” không mặc. Tôi nghe xong, chỉ biết sững người, hận không thể đạp cho Long một phát chui tuột xuống hố xí. Sau đó, anh ấy lại cuống cuồng đòi chạy về lấy mọi thứ, nhưng giờ thi đã đến nơi rồi, tôi liền bình tĩnh khuyên Long cứ vào phòng thi, mọi chuyện còn lại để tôi lo.

Lúc này tự dưng cảm thấy mình chẳng khác gì bà bảo mẫu, đến cái chuyện quan trọng như thế này mà cũng quên được, không biết đầu óc để đi đâu. Cầm đống chìa khóa mà Long đưa cho trong tay, tôi cắm như điên vào ổ khóa, đây cũng là lần đầu tiên tôi vào nhà anh ấy khi anh ấy không có nhà. Cuối cùng thì cũng mở khóa thành công, sau đó, tôi lại phi như bay vào phòng tắm, cuống cuồng lật tung cả đống quần áo hỗn độn được vứt hổ lốn trong máy giặt, giũ nó ra mạnh hết sức có thể. Sau hai phút, chiếc ví da màu nâu bò cuối cùng cũng bất ngờ văng ra dưới mặt đất, tôi hớn hở nhặt lên, lòng thầm cảm ơn trời đất. Đương định gập ví lại thì đột nhiên một tấm ảnh chụp ba người được kẹp ngay ngắn ở ngay ngăn ngoài cùng của chiếc ví bất ngờ đập vào mắt tôi khiến tôi không khỏi tò mò, đành phải khựng lại ngắm nghía… Cậu bé đang cười nửa miệng ở giữa, rõ ràng là Long rồi, hóa ra cái kiểu cười nhếch môi này là thói quen từ bé, người đứng bên tay trái, không ai khác chính là mẹ của Long, không biết ảnh chụp từ bao giờ… nhưng trong ảnh trông bác ấy rất trẻ và xinh đẹp, dù các nét thì vẫn không khác bây giờ là mấy, cuối cùng, người đàn ông trung niên đứng phía bên phải, dáng vẻ to cao, khuôn mặt góc cạnh điển trai đang quàng tay lên vai cậu con trai, nở nụ cười vô cùng phúc hậu…

Tôi bỗng sững người… Phải chăng là bố anh ấy?

Trong khoảnh khắc ấy, một suy nghĩ bỗng lóe lên trong đầu tôi… với quyết tâm vô cùng mạnh mẽ. Ngay lập tức, tôi gập chiếc ví lại và phi như bay đến trường thi, còn lề mề nữa là sẽ không kịp mất!

…….

Long đã thi xong, nhờ quá trình ôn luyện kĩ càng và vất vả, có vẻ như bài thi hoàn thành khá tốt, lúc bước ra khỏi phòng thi, ngoài kêu đau lưng ra thì anh không còn phàn nàn gì thêm về chất lượng bài của mình cả, anh ấy cũng không ngừng rối rít cám ơn tôi về màn cứu giá ngoạn mục sáng hôm nay, chắc chỉ chậm vài giây thôi thì tôi cũng trở thành kẻ thù trong mắt Long mất!

Buổi tối hôm đó, tôi lại được voi đòi tiên, có công ắt phải có thưởng, thế nên, tôi bắt Long tự tay nấu cho mình một bữa ăn tối, thật ra thì yêu cầu này cũng không phải quá khó khăn gì đối với một người “đảm đang tôm rang hành mỡ” như anh ấy, phải không nào? Lần này Long lại không kêu ca, thậm chí còn vô cùng phục tùng cũng như tuân lệnh, anh ấy vừa nấu nướng, vừa suýt sáo rất chi là yêu đời, tôi ngồi đợi mà cũng không khỏi vui lây. Đôi lúc trong mắt tôi Long vẫn rất giống như một câu thanh niên chỉ mười bảy, mười tám, nhắng nhít, bướng bỉnh, cứng đầu và hơi trẻ con so với cái tuổi hai mươi lăm của anh ấy, điển hình là như lúc này, vừa bê thức ăn vừa uốn lượn xung quanh bàn, giả vờ làm tay bồi bàn chuyên nghiệp. Long vốn sống tự lập từ sớm, anh ấy cũng chuyển ra ở riêng được mấy năm nay rồi, từ khi quá bận bịu với chuyện kinh doanh, có lẽ cũng vì thế mà Long rất biết chăm lo cho cuộc sống tinh thần của mình, đặc biệt là chuyện ăn uống. Tôi phải thừa nhận là tôi nấu ăn không thể nào ngon bằng anh ấy, mặc dù trình độ của mình cũng chẳng đến nỗi nào. Những món ăn hôm nay đều rất ngon, hương vị đậm đà, đều là những món tôi thích. Nhưng nếu như mọi ngày, dù món ngon đến đâu tôi cũng phải bắt lỗi bằng được để chê bai cho Long biết mặt, nhưng hôm nay tôi lại chỉ hạnh phúc thưởng thức, không chê bai bất kì một câu nào hết, cho Long muốn tự mãn đến đâu cũng được, vì hôm nay… có lẽ cũng là bữa ăn cuối cùng rồi.

Sau khi kết thúc bữa ăn, chúng tôi lại cùng nhau rửa bát, Long hứa hẹn rất nhiều thứ, nói rằng sau khi tôi nghỉ hè thì hai đứa sẽ đi du lịch, anh ấy tuyệt đối chẳng bao giờ nhắc đến chuyện tháng chín sẽ lấy vợ, tôi cũng chỉ cố cười hùa theo lấy lệ. Đến lúc ra về, phải chần chừ một hồi rất lâu, đấu tranh tâm lý vô cùng khắc nghiệt, cuối cùng, tôi mới đành cắn môi nói.

- Long này…

- Hả?

Tự dưng nghe tôi nhẹ giọng gọi tên anh ấy, Long bỗng giật mình, cảm giác như có chút lúng túng.

- Từ này chúng ta không gọi nhau là huynh đệ nữa nhé! Anh là anh, em là em.

Tôi vừa dứt lời, má Long liền đỏ ửng, đúng kiểu cậu thanh niên mười tám lần đầu được tỏ tình, chắc chỉ hận nỗi không thể nhảy tưng tưng lên ngay được. Sau đó, anh ấy khẽ mím môi, thậm chí còn cố nín cười mặc dù mặt đã đỏ như trái cà chua, rồi lại khúc khích nói.

- Thật á? Anh không phải gọi em là huynh nữa á? Ôi mẹ ơi! Thời của ta đến rồi!

Vừa nói, anh ấy vừa nắm hai bàn tay lại, giơ lên cao làm hành động ăn mừng chiến thắng, mặt thì ngửa lên sàn nhà, cười suýt thì ra cả nước mắt. Thấy Long cứ nhắng nhít như ông cụ non, tôi lại buộc phải bật cười dù lòng thì đang nặng trĩu tựa tạ ngàn cân. Trước lúc ra về, tôi cũng không quên nhắc Long sau khi tôi đi hãy lật chiếc ga giường lên, ở ngay vị trí dưới gối, tôi có một món quà bí mật muốn dành tặng cho anh ấy.

Cánh cửa gỗ vừa khép lại, tiếng bước chân của người con trai bên trong cũng như đang chạy xồng xộc vào phòng ngủ, tôi đau đớn đến nỗi không rơi nổi nước mắt. Người ta thường nói: “Đau đớn đến nỗi không thể rơi nổi nước mắt là nỗi đau phải nuốt ngược vào tim.”

Tôi đi lang thang một mình trên con đường vắng, cảm tưởng như tim sắp vỡ vụn vì chứa đầy nước mắt đóng băng, từng nhịp rung lên, thắt nghẹn cả khí quản…

…………

Tối hôm ấy trời mưa rất to, mưa rào xối xả, nếu nói một cách sến súa thì chắc là ông trời đang khóc, tôi ngồi im trong nhà, chỉ muốn khóa tay chân mình lại khi nghe tiếng Long đang gào lên bên dưới, cứ chốc chốc tôi lại bảo thằng Quân thử ngó ra xem thì thấy anh vẫn đứng trơ trơ ra trước cửa nhà, mắt nhìn lên cửa sổ phòng tôi, không chớp. Long hay ốm như thế, mấy lần trước đã sốt sắng gần chết chỉ vì dính chút nước mưa rồi, lần này lại muốn liều mạng hay sao đây?

Xuống?

Hay không xuống?

Câu hỏi ngắn ngủn ấy cứ vang lên trong đầu tôi, thôi thúc tay chân tôi khiến chúng không ngừng bủn rủn. Nép mình vào một góc để lưng áp sát vào bờ tường, chúng tôi chỉ cách nhau có một bức tường này thôi… mà sao tưởng chừng như đang đứng ở hai thế giới hoàn toàn cách biệt. Tôi khẽ nín hơi, hai tay đưa lên ôm chặt miệng, cố gắng không nấc lên thành từng tiếng giật cục. Những lúc như thế này, tôi chỉ hận mình sao lại quá yếu đuối, chút cảm giác lãnh đạm cũng không có, tưởng như nỗi đau đã trải qua quá nhiều thì không thể khóc lóc được nữa… nhưng những cảm xúc thông thường nhất của một con người… sao tôi có thể dễ dàng chống lại.

Cứ nấc lên thành từng cục giật ầng ậc như thế, đến nỗi hai bàn tay đã ướt nhòa nước mắt tự khi nào, cho đến khi cơn mưa dần nhẹ hạt, tôi mới khe khẽ nhổm người dậy, ti hí mắt nhìn xuyên qua lớp cửa kính phủ đầy bụi bẩn nay lại thêm vẩn đục bởi những hạt mưa nặng trĩu bám đầy mặt kính… Từng hạt mưa trong suốt nặng nề rơi xuống, như cuốn trôi đi những vương vấn lụi tàn của trái tim, khi một trái tim đã chịu quá nhiều tổn thương, nó cũng giống như lớp vẩn đục kia vậy, nếu không có một cơn mưa thật mạnh tạt vào, chắc chắn sẽ khó có thể trôi đi.

Gần mười hai giờ đêm, tiếng mưa bắt đầu thưa dần, có lẽ ngoài trời đã sắp tạnh, ánh đèn đường mờ nhạt cũng không còn lẫn trong màn mưa trắng xóa nữa, bỗng, màn hình điện thoại hiện lên một tin nhắn thoại, tôi giật nảy mình, nhưng lại không dám mở ra xem, chỉ sợ nghe xong rồi tim sẽ lại bị lay động. Một lát sau, những tin nhắn thoại bắt đầu đến dồn dập hơn, chúng tôi có thói quen gửi tin nhắn thoại cho nhau thay vì gọi trực tiếp, vì làm thế vừa có thể nghe được giọng nói của nhau, lại vừa có thể để cho đối phương kịp thời chuẩn bị tâm lý. Cảm giác chờ đợi… rất là tuyệt.

Nhưng ngày hôm nay, rõ ràng là chỉ có một người nhắn- một người đợi những tin nhắn thôi đừng đến nữa, một người đứng như bất động dưới trời mưa- một người nôn nóng chờ bao giờ anh ta sẽ đi khuất. Vẻ mặt tuyệt vọng của Long dần hiện lên khi mười lăm tin nhắn thoại hoàn toàn không được trả lời, đêm đã về khuya, anh ấy không dám thét lên làm loạn nữa, xung quanh đều là hàng xóm của tôi, ít nhiều Long cũng nghĩ cho thể diện của đứa con gái chưa chồng này.

Cuối cùng, gần một giờ sáng, những tiếng bước chân lép nhép vang lên trên nền đất ướt nhẹp cuối cùng cũng đã dần biến mất… hai hàng mi trĩu nặng khẽ khép lại… mong rằng cơn mưa này sẽ cuốn trôi đi tất cả… gột sạch ký ức… để ta sớm quên nhau!

……..

Những ngày sau đó, anh ấy vẫn tiếp tục nhắn tin và gọi điện, cảm giác nhìn chiếc điện thoại rung lên liên tục mà không thể bắt máy… vô cùng bất lực. Những tưởng cứ bơ đi như vậy rồi thì mọi chuyện cũng sẽ dần rơi vào dĩ vãng, nhưng không, mỗi tối, vẫn đều đặn một tin nhắn chúc ngủ ngon, ít nhất là vậy. Điều đó không làm tôi vui hơn, chỉ khiến nước mắt của tôi dần khô cạn, cuối cùng ta cũng có thể làm quen với nỗi đau, đau đớn nhiều rồi thì cũng trở thành thói quen thôi.

Một tháng sau đó, tôi chính thức xóa toàn bộ tin nhắn, mặc dù ngày cuối cùng đọc lại, vẫn không thể ngăn nổi mình vừa khóc vừa cười, lúc đó tôi đã có cảm giác như là: “Nếu biết trước sẽ như thế này thì chi bằng lúc ấy đừng nói những lời như vậy!” Mỗi lần dằn lòng mình xóa đi một tin nhắn, tim lại nhói lên như một mũi dao vừa đâm xuyên qua ngực. Vậy là cuối cùng sau bao ngày dằn vặt, tôi cũng có đủ dũng khí để xóa đi dãy số điện thoại mang ký hiệu “một dấu chấm” vô cùng đặc biệt ấy.

Mặc dù, từng con số trong dãy số ấy, như đã khắc in vào trong tâm trí tôi tự rất lâu rồi.

.:Trang Chủ:.
Copyright © 2020 - Đọc Truyện - All rights reserved.