Đọc truyện
Hoàng hôn xuống. Đêm ấy, đất liền đã hiện phía xa xa. Montgomery cho tôi biết đó là hòn đảo nơi hắn ở. Còn quá xa, không trông được rõ, tôi chỉ thấy 1 dải đất thấp xanh mờ giữa lòng biển thẳm mà thôi. Từ dải đất ấy, 1 cột khói bốc cao lên tận trời. Lúc này, thuyền trưởng không còn trên boong nữa. Sau khi chửi tôi sướng miệng, va đã xuống ca bin, ngủ như chết tự đời nào. Điều khiển tàu bây giờ là thuyền phó, tức cái tay gầy gò ít nói ta thấy trong đoạn trước. Tay này xem ra cũng không ưa Montgomery. Y làm như không biết đến sự hiện diện của 2 chúng tôi. Chúng tôi ngồi ăn tối cùng y trong im lặng. Tôi cố bắt chuyện vài lần, nhưng không hiệu quả. Thủy thủ trên tàu ai cũng ghét Montgomery và gã gia nhân của hắn. Về phần Montgomery, hắn luôn luôn kín kẽ về nơi ở của mình, cũng như về những con thú trên tàu. Tuy tò mò, nhưng tôi cũng không cố tìm hiểu thêm.
Tôi và Montgomery chuyện vãn trên boong cho đến khi sao lên đầy khắp trời khuya. Đêm thật tĩnh lặng, thỉnh thoảng mới có vài tiếng động phát ra từ khoang tàu, hoặc từ đám thú vật. Con báo nằm cuộn mình lù lù 1 đống đen thui, nhìn chúng tôi với cặp mắt sáng quắc. Montgomery phì phèo xì gà. Giọng đầy hoài niệm, hắn nói về London, hỏi tôi về những thay đổi trong 10 năm qua. Hắn có vẻ rất tiếc nuối cuộc đời xưa cũ, 1 cuộc đời tuyệt vời mà vì lý do đột ngột nào đấy, hắn buộc phải rũ bỏ. Tôi buôn đủ chuyện với hắn. Con người này thật lạ lùng. Dưới ánh sáng mờ của ngọn đèn lồng phía sau, tôi vừa nói vừa nhìn khuôn mặt xanh xao của hắn. Rồi tôi lại nhìn ra biển đen thăm thẳm, nơi bóng đêm đã che đi hòn đảo nhỏ nơi xa.
Cuộc đời có những cái duyên kỳ lạ. Montgomery, chẳng biết tới từ đâu, bỗng trở thành ân nhân cứu mạng tôi. Đến ngày mai, hắn sẽ xuống tàu, và bước khỏi đời tôi mãi mãi. Lại còn biết bao điều lạ lùng về hắn: 1 người trí thức sống trên hòn đảo nhỏ hoang vu không ai biết tới, đem theo cả đống thú vật. Tôi tự hỏi mình câu hỏi của viên thuyền trưởng. Ừ, không biết hắn muốn làm gì với mấy con thú ấy nhỉ? Tại sao khi tôi lần đầu đề cập đến chúng, hắn lại chối chúng không phải của mình? Rồi tên gia nhân của hắn lại càng lạ lùng nữa. Chung quanh Montgomery, một làn sương bí ẩn như bao phủ.
Đến nửa đêm, chúng tôi không còn nói về London, chỉ yên lặng đứng bên nhau, tựa vào lan can, cùng ngơ ngẩn nhìn mặt biển bình yên, được soi sáng bởi muôn vàn tinh tú, mỗi người theo đuổi suy nghĩ của riêng mình. Trời khuya như khơi dậy xúc cảm, khiến tôi chợt nhớ ra mình mang ơn Montgomery.
“Kể ra thì”, tôi nói, sau khi im lặng giây lâu “anh có ơn cứu tử với tôi.”
“Ngẫu nhiên”, hắn đáp “ngẫu nhiên thôi”.
“Nhưng tôi vẫn muốn nói lời cảm ơn”
“Chả phải cảm ơn ai cả. Anh cần được cứu, tôi biết cách cứu. Thế là tôi tiêm thuốc và tẩm bổ cho anh. Tôi coi việc đó cũng như việc đi sưu tầm mẫu vật nghiên cứu thôi. Chẳng qua tôi đang buồn chán và không có việc gì làm. Chứ nếu hôm đó mà tôi oải, hoặc tôi không ưa cái bản mặt anh, thì bây giờ chẳng biết anh đang ở đâu!”
Lời hắn làm tôi cụt cả hứng. Tuy thế, tôi vẫn cố mở lời “Dù sao thì…”
“Đã bảo là ngẫu nhiên mà”, hắn ngắt lời “Sống làm người, làm cái gì cũng có số cả. Chỉ đứa nào ngu mới không hiểu điều đó. Tại sao tôi lại phải ở đây, tách biệt khỏi thế giới văn minh, thay vì đang ở London, làm 1 người hạnh phúc tận hưởng mọi lạc thú cuộc đời? Chỉ vì mười một năm trước đây, trong một đêm mù sương, tôi đã giận quá mất khôn trong vòng 10 phút”.
Hắn chợt ngừng. “Chuyện ra sao?”, tôi hỏi tiếp.
“Chả sao. Có thế thôi.”
Lại yên lặng. Rồi hắn bật cười “Tự dưng đứng dưới cái trời sao này, lại cảm thấy muốn nói ra mọi điều. Tôi là con lừa, nhưng tôi vẫn muốn kể anh nghe.”
“Kể đi. Nếu anh muốn giữ bí mật, tôi sẽ không nói cho ai nghe.”
Hắn mấp máy môi định nói, nhưng rồi lại lắc đầu, do dự.
“Thôi vậy”, tôi nói “Sao cũng được. Anh cứ giữ lấy bí mật của anh, có thể như thế sẽ tốt hơn. Kể tôi nghe thì cũng chỉ nhẹ lòng đi một ít, chứ có được lợi gì đâu.”
Hắn vẫn phân vân. Tôi biết mình đã nắm được thóp hắn, ngay lúc tâm tình hắn dao động. Nhưng nói thật, tôi chẳng cần nghe câu chuyện của hắn làm gì. Chỉ đoán thôi cũng ra rồi. Tôi nhún vai và quay đi. Dưới lan can sau khoang lái, 1 bóng đen đang đứng ngắm trời sao. Chính là tên gia nhân kỳ lạ của Montgomery. Gã nhìn tôi 1 cái, rồi lại quay đi.
Người khác chắc không để ý, nhưng tôi bỗng giật mình. Gần tôi khi đó chỉ có ánh sáng của ngọn đèn lồng phía trên bánh lái. Khi tên gia nhân nhìn tôi, ánh đèn chiếu vào mặt gã, và tôi nhận ra, cặp mắt gã tỏa những tia xám-xanh, giống thú chứ không giống người. Những câu chuyện kinh dị được nghe thời thơ ấu chợt hiện về, tôi kinh hoàng ngó trân tên mặt đen với cặp mắt rực lửa ấy. Nhưng rồi giây phút kinh hoàng trôi qua, tôi nghe tiếng Montgomery ở bên.
“Đứng ngoài này chán chưa? Vào trong nhé?”
Chúng tôi cùng xuống khoang. Hắn chúc tôi ngon giấc.
Đêm ấy, tôi mơ mấy giấc chẳng lấy gì làm dễ chịu.Vầng trăng khuyết trên cao tỏa màu sáng bạc ma quái khắp ca bin, phản chiếu những hình thù quái gở trên ván giường. Bọn chó săn tỉnh giấc, bắt đầu tru lên inh ỏi. Tôi cứ chập chờn, tỉnh tỉnh mơ mơ cho đến tận bình minh.
N
gày thứ 2 sau khi hồi phục, và thứ 4 kể từ lúc được vớt lên tàu, tôi tỉnh giấc lúc sớm mai, sau những giấc mộng ồn ào đầy tiếng súng và tiếng người hò hét. Giọng ai đang la lối trên boong. Tôi dụi mắt, nằm lắng nghe, và trong 1 thoáng, tự hỏi mình đang ở nơi nào. Đủ thứ âm thanh bên trên đầu: Tiếng chân chạy huỳnh huỵch, tiếng vật nặng bị quăng quật, tiếng xích sắt rủng roảng. Thêm cả tiếng nước ào ào khi con tàu xoay tròn. 1 con sóng xanh ánh vàng đánh ngang cửa sổ ca bin, để lại những vệt nước chảy dài. Tôi vội mặc quần áo, bước lên boong.
Bình minh vừa ló dạng. Mới lên khỏi thang, tôi thấy ngay bầu trời ửng hồng, cùng…tấm lưng to và mái tóc đỏ của viên thuyền trưởng. Đằng sau va là cái cũi con báo, đang lơ lửng quay quay trên sợi dây ròng rọc gắn dính vào cây sào căng buồm. Con báo tội nghiệp trông sợ hết cả hồn, ngồi thu mình vào 1 góc cũi.
“Cẩu xuống”, giọng thuyền trưởng oang oang như lệnh vỡ “Cẩu xuống tất. Tống hết mẹ nó đi, tàu mình sẽ lại sạch như ngày xưa.”
Va đứng chặn ngay trước tôi. Tôi buộc phải vỗ vai, xin va tránh đường. Va quay phắt lại, rồi giật lùi vài bước, đứng ngó tôi chằm chằm. Chẳng cần có mắt thần cũng thấy va vẫn đang say.
“Á à” va nói, mắt như lóe sáng “Ông gì? Ông gì đây nhỉ?”
“Prendick” tôi trả lời.
“Prendick cái cứt. Câm Mồm, mày tên là Ông Câm Mồm”.
Chẳng việc gì phải trả treo với va, nhưng tôi chẳng thể ngờ việc va sắp làm. Va chỉ tay về phía mũi tàu. Ở đó, Montgomery đang đứng trò chuyện cùng 1 ông tóc bạc mặc đồ màu xanh bẩn thỉu. Ông này dường như vừa mới lên tàu.
“Đi lối đấy, thưa ông Câm Mồm Mất Dạy! Đi lối đấy” Thuyền trưởng rống lên.
Montgomery và ông đầu bạc quay sang nhìn va.
“Ý ông là sao?” Tôi hỏi.
“Là đi lối đấy, chứ còn sao nữa hả ông Câm Mồm Mất Dạy? Cút xuống, thằng Câm Mồm kia, và cút cho lẹ. Chúng ông đang lau tàu, lau cho sạch hết cái giống bọn mày. Cút xuống mau.”
Tôi nhìn va, không nói nên lời. Nhưng thôi, cũng tốt. Làm hành khách duy nhất trên tàu của thằng cha xỉn này thì có gì thú vị đâu. Tôi nhìn Montgomery.
“Không cho cậu theo được” Ông đầu bạc nói rành rẽ. Khuôn mặt chữ điền của ông cương quyết cách lạ thường.
“Không cho tôi theo ư?” Tôi nói mà bàng hoàng cả người. “Này này, thuyền trưởng ơi”
“Cút xuống” Thuyền trưởng lặp lại “Tàu này một không chở thú, hai không chở bọn ăn thịt người, ba không chở lũ người mà tệ hơn thú vật. Không chở nữa, nghe chưa? Cút đi, thằng Câm Mồm. Chúng nó không cho mày theo, thì mày nhảy xuống biển đi. Đằng nào mày cũng phải cút. Tao không bao giờ trở lại đảo này nữa, amen! Tao ngán tận cổ rồi.”
“Montgomery ơi!” Tôi cố nài.
Montgomery ra dấu về phía ông đầu bạc, ý rằng hắn chẳng có quyền gì.
“Mày không chịu xuống thì tao giúp 1 tay nhé”, thuyền trưởng giục.
Thế rồi cứ dùng dằng 3 bên như thế. Tôi hết cầu bên này lại khẩn bên kia. Hết xin ông đầu bạc cho đi theo lên đảo, lại xin thuyền trưởng cho tiếp tục đi cùng, thậm chí còn van vỉ cả bọn thủy thủ. Montgomery chỉ lắc đầu, không nói, còn thuyền trưởng thì lặp đi lặp lại điệp khúc “Cút xuống, cút xuống! Luật lệ mẹ gì, tao là vua đây”. Tôi giận đến nghẹn lời, chỉ còn biết bước về phía đuôi tàu, mắt thất thần nhìn vào khoảng không vô định.
Dưới mạn tàu, 1 chiếc thuyền nhỏ 2 buồm đang đậu. Bọn thủy thủ tất bật dỡ hàng trên tàu, chuyển xuống thuyền ấy. Thân thuyền bị tàu lớn che khuất mất, khiến tôi không thấy được những người nhận hàng là ai. Cả Montgomery lẫn ông đầu bạc đều không chú ý tới tôi, mà lo lăng xăng giúp đỡ việc dỡ hàng. Thuyền trưởng cũng đi qua đi lại, nhưng chỉ phá thối chứ không giúp được gì. Tôi cảm thấy đau khổ và tuyệt vọng, cứ đứng đấy nhìn họ làm việc, chốc chốc lại bật lên tiếng cười ngao ngán cho số phận hẩm hiu. Đã khổ lại còn đói nữa, đã ăn sáng gì đâu. Cái đói làm người nó hèn đi. Tôi chẳng còn sức mà co kéo với thuyền trưởng, cũng không thể nào bắt buộc Montgomery và ông đầu bạc phải cho theo. Thôi thì cứ đứng mà đợi, tới đâu thì tới. Công việc dỡ hàng cứ thế tiếp diễn như thể không có tôi hiển hiện.
Sau rốt thì hàng đã dỡ xong, giờ đến phiên…dỡ người. Tôi bị lôi đi xềnh xệch, chỉ biết chống cự 1 cách yếu ớt. Ngay lúc ấy, tôi vẫn không khỏi kinh dị khi thấy những khuôn mặt nâu quái đản của bọn đi cùng Montgomery trên thuyền nhận hàng. Chiếc thuyền giờ chất đầy hàng hóa, và bắt đầu dời đi. Khoảng cách giữa nó và tàu lớn đã xa, giờ này nếu bị xô, tôi ắt phải rơi xuống biển. Tôi dùng toàn lực chống cự, cố tránh cho khỏi rơi. Nghe thấy trên thuyền tiếng hò reo chế giễu, rồi tiếng Montgomery quát im. Đoạn thuyền trưởng, thuyền phó, thêm vào cả 1 tay thủy thủ, cùng xúm vào lôi tôi về phía đuôi tàu. Bọn chúng quẳng chiếc xuồng con của tàu Lady Vain xuống biển, rồi bắt tôi nhảy xuống theo.
Khốn nạn, xuồng con bị nước ngập quá nửa, chẳng hề có mái chèo, mà bọn chúng cũng không thí cho tôi được tý lương thực. Tôi nhất quyết không chịu xuống, nằm bò ra ăn vạ trên boong. Sau cùng, chúng phải lấy dây buộc tôi rồi ròng xuống xuồng. Chúng cắt dây, xuồng từ từ trôi xa khỏi tàu. Trong trạng thái sững sờ, tôi nhìn bọn thủy thủ kéo buồm. Chậm rãi mà chắc chắn, tàu vào đúng hướng gió, những cánh buồm của nó căng lên, và rồi nó lướt phăng phăng ra khỏi tầm mắt tôi.
Tôi chẳng buồn ngó theo tàu. Ban đầu, không tin nổi những gì vừa xảy ra, tôi cứ ngồi đó sững sờ nhìn mặt biển. Đến lúc tri giác trở về, tôi nhận ra mình lại lâm vào cảnh địa ngục như xưa. Chiếc xuồng con đã bị nước ngập mấy phần. Nhìn ra khơi, thấy tàu buồm ở xa xa, thấy cả thằng thuyền trưởng vẫn đang đứng chế nhạo tôi bên lan can. Nhìn trở vào, thấy thuyền của Montgomery đang tiến về đảo, mỗi lúc mỗi nhỏ dần.
Hốt nhiên, tôi nhận ra mình đã bị bỏ rơi một cách tàn độc. Không có mái chèo, làm sao vào được đến đảo đây, trừ khi trời thương, khiến gió thổi dạt vô? Tôi hãy còn yếu, chưa khỏe hẳn, thêm đói đến lả người. Trong lúc cần phải can đảm, tôi lại bật khóc nức nở. Từ hồi bé đến giờ, mới lại khóc như thế. Nước mắt chảy dài trên má, tôi tuyệt vọng lấy tay đấm lên mặt nước, chân thì cáu kỉnh đạp mạn xuồng, lớn tiếng kêu trời, xin ban cho 1 cái chết lẹ làng.
( http://viptruyen.pro )
May thay, khi thấy tình cảnh tôi, đảo chủ động lòng thương. Đang trôi dạt về phía đông, tôi chợt thấy con thuyền nhỏ quay đầu, hướng về chỗ mình. Thuyền đầy ứ những người, hàng, và thú. Khi nó đến gần, tôi thấy vị đảo chủ đầu bạc, vai rộng đang ngồi chen chúc cùng lũ chó và mấy kiện hàng ở đằng đuôi. Đảo chủ nhìn tôi chằm chằm, bất động chẳng nói chi. Gã mặt đen ngồi bên con báo, cũng nhìn tôi mãi. Kế gã là 3 tên lạ mặt, trông rất cổ quái và ngu đần. Đàn chó săn cứ nhằm mặt 3 tên này mà gầm gừ. Montgomery tay giữ lái, đưa thuyền tới gần tôi. Vì trong thuyền không còn chỗ trống, hắn lấy dây buộc vào xuồng con, rồi lai dắt tôi vào đảo.
Giờ thì tôi đã qua cơn hoảng lạn, đủ sức để đáp lại Montgomery khi hắn chào tôi. Tôi than xuồng mình bị nước ngập, gần chìm đến nơi rồi. Hắn bèn quăng cho cái xô. Trong lúc được lai dắt vào bờ, tôi cặm cụi tát nước.
Mãi đến khi tát cạn nước rồi, tôi mới có dịp thảnh thơi, ngồi quan sát những người trên thuyền. Đảo chủ vẫn chăm chú nhìn tôi, nhưng dường như có vẻ gì bối rối. Khi bắt gặp tôi nhìn lại, ông cúi xuống ngó con chó săn đang ngồi dưới chân.Thân hình đảo chủ thật vạm vỡ, trán cao, nét mặt hơi nặng nề. Như những người già khác, da ông đã giùn phía trên mi. Khóe miệng hơi trề, tạo cho ông vẻ mặt vô cùng quyết đoán. Ông nói gì đó với Montgomery, quá nhỏ không nghe được.
Nhìn đảo chủ chán, tôi chuyển sang quan sát 3 tên thuyền nhân. Lũ thuyền nhân thật lạ, vẻ mặt chúng đáng ghét sao sao ấy, chỉ mới trông đã phát tởm. Trông đi trông lại, vẫn thấy phát tởm. Cả 3 đều có làn da nâu. Chúng quấn 1 thứ băng vải trắng, mỏng và dơ dáy, che khắp tứ chi, thậm chí cả ngón tay, ngón chân cũng không để lộ. Tôi chưa bao giờ thấy đàn ông quấn vải khắp người như thế. Phụ nữ thì có, nhưng cũng chỉ ở Đông phương thôi. Dưới khăn quấn đầu, bản mặt bọn chúng trông như yêu tinh: Hàm dưới nhô ra, mắt thì sáng quắc. Tóc chúng đen rũ, trông giống bờm ngựa. Có vẻ như chúng rất cao. Đảo chủ cao cũng phải cỡ 1 thước 80, vậy mà ngồi cùng với chúng, thấy thấp hơn cả cái đầu. Sau này mới rõ chúng chẳng cao gì hơn tôi, vì tuy chúng người dài, nhưng chân lại thấp tủn và cong như vòng kiềng. Mà nói gì thì nói, vẫn phải kết luận chúng là 1 lũ người xấu đau xấu đớn, xấu chẳng kém gã mặt đen mắt lung linh trong đêm. Khi phát hiện tôi đang nhìn, chúng lảng tránh ánh mắt tôi, nhưng vẫn cứ ngó tôi với 1 vẻ lấm lét, lạ kỳ. Nhận ra mình có thể đang làm chúng khó chịu, tôi chuyển hướng chú ý vào hòn đảo trước mặt.
Hòn đảo trông như doi đất thấp, được bao phủ bởi thảm thực vật dày, chủ yếu là 1 loài cây cọ trước giờ tôi chưa thấy. Ở đâu đó, 1 làn hơi nước trắng mỏng bốc lên cao ngất, rồi tan xuống như lông vũ đang rơi. Thuyền đã vào đến vịnh: 1 vịnh rộng, bao bọc nhị bề bởi 2 mũi đất thấp. Bờ biển trước mắt đầy cát xám, cứ dốc mãi lên cho đến 1 gò cao, có lẽ phải cao hơn đến 20 thước so với mặt bể. Giữa đường lên là 1 khu nhà vuông với 2 mái lá, tường bao được xây bằng 1 loại đá xám. Sau mới biết đá xám ấy hóa ra là san hô và nham thạch. Khi thuyền còn ở xa, tôi thoáng thấy mấy hình thù dị kỳ đang chạy nấp vào trong bụi cây, nhưng khi đến gần thì không trông thấy nữa. Chỉ có 1 người đang đứng đợi bên mép nước. Người này da đen, thân hình tầm thước, miệng rộng gần như không môi, chân tay gầy và dài ngoằng ngoẵng. Cũng mặc đồ xanh như đảo chủ và Montgomery, y đứng vêu mặt ra nhìn chúng tôi. Khi thuyền tới nơi, y chạy tới chạy lui trên bờ, làm những cử chỉ thật là lố bịch.
Theo lệnh Montgomery, lũ thuyền nhân bật dậy, lóng ngóng hạ buồm. Montgomery bẻ lái, đưa thuyền tới vũng đậu nhỏ hẹp bên bãi biển. Vũng đậu này thật ra là cái rãnh bé tẹo, chỉ vừa đủ để thuyền vào khi đúng con nước. Khi mũi xuồng con đã chạm nền cát, tôi liền tháo sợi dây cột với thuyền, rồi bước lên bờ. 3 tên thuyền nhân cũng vụng về đổ bộ, bắt đầu dỡ hàng xuống. Người đứng bên mép nước chạy ra giúp chúng 1 tay. Dáng đi của lũ thuyền nhân quấn vải kín người ấy nhìn rất kỳ: không cứng quèo, nhưng cứ vặn vẹo thế nào ấy, cứ như khớp xương của chúng bị nối nhầm chỗ. Đến lượt đảo chủ vào bờ, rồi đàn chó. Đàn chó vẫn bị xích, và vẫn gầm gừ. Thuyền nhân vừa dỡ hàng vừa chuyện gẫu bằng 1 thứ ngôn ngữ lạ. Người da đen không môi cũng nói chuyện với chúng, ra điều khoái chí lắm. Chất giọng trầm của bọn chúng, dường như tôi đã nghe ở đâu rồi, mà không sao nhớ được là đâu. Đảo chủ đứng với đàn chó, liên tục ra mệnh này lệnh nọ. Montgomery sau khi tháo bánh lái, cũng đã bước lên. Tôi thì đói và mệt, chỉ biết đứng đầu trần dưới nắng, chẳng giúp gì được họ.
Đảo chủ bỗng như nhớ ra sự hiện diện của tôi. Ông bước tới.
“Này cậu, hình như chưa ăn sáng hả?” dưới đôi lông mày rậm, cặp mắt ông đen lay láy “Xin lỗi nhé. Giờ cậu là khách của tôi rồi, dù là khách không mời thì tôi vẫn phải đối xử cho tử tế”. Đoạn ông nhìn thẳng vào mặt tôi “Montgomery nói cậu là người có học, phải không cậu Prendick? Cho tôi biết thêm được không?”
Tôi trả lời mình có theo học mấy năm ở trường Đại Học Khoa Học Hoàng Gia, và từng làm nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của giáo sư Huxley. Nghe đến đó, đảo chủ hơi nhướng mày.
“Ờ, thế thì tốt đấy, cậu Prendick”, ông nói, giọng có vẻ tôn trọng tôi hơn “Chúng tôi ở đây, tức là tôi với Montgomery ấy, cũng là các nhà sinh vật học cả”. Mắt ông dõi theo bọn thuyền nhân, hiện đang bận bịu vác con báo vào trong nhà. “Cái nhà này cũng là 1 kiểu viện nghiên cứu sinh học. Còn chuyện khi nào cậu có thể về được thì tôi không biết. Đảo này rất cách biệt với thế giới bên ngoài, có khi cả năm mới có tàu đi qua.”
Rồi đảo chủ bỏ tôi đứng đấy để đi vào trong khu nhà. Montgomery và 2 người nữa đang dỡ mấy kiện hàng, bỏ lên xe đẩy. Con lạc đà không bướu và lũ thỏ hãy còn ở trên thuyền, đàn chó vẫn đang bị xích. Sau khi cái xe đã chất đến cả tấn hàng, bọn thuyền nhân bắt đầu đẩy nó đi. Montgomery tiến về phía tôi, mặc cho chúng đẩy 1 mình.
“Tôi rất vui” hắn nói “Thằng thuyền trưởng là đồ lừa. Tý nữa nó cho anh đi đời.”
“Thế là anh lại cứu tôi lần nữa.”
“Chưa chắc đâu. Cho anh biết là cái đảo này cũng khốn nạn lắm đấy. Đi đâu trên đây cũng phải hết sức đề phòng. Ổng…” Hắn chợt đổi ý, lảng sang chuyện khác “Giúp tôi đem thỏ vô với.”
Tôi giúp hắn kéo mấy cái chuồng thỏ lên bờ. Việc xong, hắn mở cửa chuồng, dốc ngược xuống, bao nhiêu thỏ rơi lạch bạch hết ra, đè cả lên nhau, cả thảy chắc chừng 15-20 con. Hắn vỗ tay mấy cái, chúng bèn chạy đi tứ tán hết cả.
“Sinh đẻ và gia tăng dân số thoải mái đi, các bạn thỏ “hắn kêu “Đẻ đầy đảo cũng được. Mãi đến giờ trên đảo này mới có thịt mà ăn.”
Trong lúc tôi đang nhìn theo lũ thỏ, đảo chủ đã quay lại, tay cầm ve rượu brandy và ít bánh. “Ăn tạm đi Prendick”, giọng ông nghe có phần thân thiện hơn trước. Tôi chẳng khách sáo gì, cầm bánh ngấu nghiến ngay. Đảo chủ và Montgomery tiếp tục mở chuồng thả thỏ. Tuy nhiên, họ giữ lại 3 cái chuồng lớn, đem vào nhà để chung với con báo. Tôi ăn hết bánh, nhưng không đụng đến rượu. Tự cha sanh mẹ đẻ, tôi chẳng bao giờ uống rượu cả.
B
ước chân lên đảo, lạ nước lạ cái, cái gì chung quanh cũng lạ, lạ nhiều quá riết rồi quen. Khi tôi đang theo chân con lạc đà không bướu, Montgomery bỗng gọi, dặn tôi không được bước vào nhà. Lúc đó, tôi mới để ý, thấy cái cũi báo và các kiện hàng đang được xếp gọn gàng ngay trước cửa vào tòa ốc.
Hàng họ trên thuyền đã dỡ xong, đảo chủ đang đi về phía chúng tôi. Ông nói với Montgomery.
“Tự dưng lại có khách không mời. Làm gì với hắn đây?”
“Ảnh biết về khoa học đấy” Montgomery đáp.
“Tôi đang nóng lòng thử nghiệm món mới đây”, đảo chủ ra dấu về tòa nhà, mắt ông sáng lên.
“Em biết thầy nóng lòng mà”, Montgomery giọng ngọt ngào.
“Ta không thể để hắn ở đó được, mà cũng chẳng có thời gian xây nhà mới cho hắn. Chắc chắn là cũng chưa thể nào cho hắn biết mọi điều”.
“Tùy ông quyết, sao cũng được”, tôi nói dù tôi chẳng biết đảo chủ nói “ở đó” là ở đâu.
“Em cũng đang nghĩ như thầy”, Montgomery trả lời “Hay là để ảnh ở phòng em? Phòng em có cái cửa ngoài…”
“Ý hay” Đảo chủ nói, và 3 chúng tôi cùng bước tới khu nhà “Cậu Prendick thứ lỗi nhé, cậu là khách không mời, nên 1 số thứ chúng tôi cần giữ bí mật. Cái nhà của tôi là 1 kiểu lâu đài Yêu Râu Xanh đấy. Đối với người hiểu biết thì cũng chẳng có gì ghê gớm đâu, nhưng mà chúng tôi chưa biết cậu…”
“Tôi hiểu mà. Chỉ vừa biết nhau thôi, ông làm sao coi tôi như tâm phúc được.”
Đảo chủ cười nhẹ. Ông thuộc tuýp người ít nói, khi cười thì khóe miệng trễ xuống chứ không nhếch lên. Chúng tôi đi ngang qua cổng chính của khu nhà, nhưng không vào. Cổng này bằng gỗ khung sắt rất chắc chắn, lại được khóa cẩn thận. Bước về phía góc tường. Ở đây có 1 cánh cửa nhỏ, nãy giờ tôi không để ý thấy. Đảo chủ rút từ túi chiếc áo xanh dính dầu mỡ ra 1 xâu chìa khóa, mở cửa, rồi bước vô. Bên trong là 1 căn phòng bài trí giản đơn, nhưng không đến nỗi tồi tàn. Phòng còn có cửa hậu, mở về phía trong, dẫn ra 1 cái sân lát gạch. Lúc tôi vào, cửa còn đang mở hé, nhưng Montgomery đã lập tức khóa lại ngay. Bên góc tối của phòng, 1 cái võng đang đong đưa. Cạnh đó là cửa sổ nhỏ nhìn ra biển. Cửa không kính, chỉ có chấn song sắt.
Đảo chủ dặn từ nay tôi sẽ ở đây, nhưng không được bước qua cửa hậu. “Để tránh tai nạn có thể xảy ra”, ông nói, ông sẽ luôn khóa cửa ấy. Ông chỉ cho tôi: Trong phòng có bàn làm việc ngay trước cửa sổ, lại có cả 1 kệ sách ở bên cái võng. Tôi liếc qua thì thấy những chồng sách cũ, chủ yếu là sách về phẫu thuật và các tác phẩm kinh điển Hy-La. Chán! Vốn liếng Hy-La của tôi có bao lăm mà bảo đọc! Đảo chủ rời phòng bằng cửa ngoài. Cứ đi thẳng cửa hậu để vào nhà thì tiện hơn, nhưng dường như ông muốn tránh không mở nó ra nữa.
“Thường thì ta sẽ ăn cơm ở đây”, Montgomery nói, rồi ra theo đảo chủ. “Thầy Moreau”, tôi nghe hắn gọi. Ban đầu cũng chẳng để ý gì, nhưng khi đang săm soi chồng sách trên ghế, tôi bỗng chợt nhớ ra: Chắc chắn mình đã từng nghe cái tên Moreau ở đâu rồi. Tôi ngồi xuống bên cửa sổ, ăn ngon lành mấy cái bánh quy. Moreau!
Qua cửa sổ, tôi thấy tên thuyền nhân quấn vải trắng đang kéo lê 1 kiện hàng dọc theo bãi biển. Rồi từ phía sau cánh cửa hậu, tôi nghe tiếng đàn chó săn. Ra chúng đã được đem vào nhà rồi. Lũ chó không sủa, chỉ khụt khịt, gầm gừ, bước tới bước lui. Nghe cả tiếng Montgomery đang vỗ về chúng nó.
Hành tung bí mật của 2 vị đảo chủ gây ấn tượng mạnh trong tôi. Tôi cứ ngồi đó, suy này đoán nọ, và cố nhớ xem mình đã nghe cái tên Moreau ở đâu rồi. Trí nhớ con người thật quái quỉ, lúc cần nhớ thì nhớ mãi không ra. Kế đó, tôi lại nghĩ về cái tên thuyền nhân đang kéo hàng ngoài kia. Chưa bao giờ thấy ai điệu bộ dị hợm như thế. Giờ mới nhớ, trong bọn gia nhân, chưa có tên nào mở miệng nói với tôi 1 câu, chúng chỉ lấm lét nhìn tôi thôi. Kể cũng lạ, những giống thổ dân khác, khi nhìn thì nhìn thẳng mặt, có đâu lấm lét như chúng vậy. Có vẻ chúng rất ít nói, mà những khi nói thì giọng rất kỳ. Chúng bị làm sao nhỉ? Đột nhiên, tôi nhớ đến cặp mắt dễ sợ của gã gia nhân mặt đen.
Vừa nhớ đến gã, thì gã đã vào ngay. Giờ gã mặc áo trắng, tay cầm cái khay nhỏ, trên có cà phê và ít rau quả. Tôi không sao tránh khỏi hơi chùn lại khi gã đến gần, cúi xuống đặt khay lên bàn. Dưới những mớ tóc đen bết lại, cái tai của gã như nhảy lên sát mặt tôi. Tai gã nhọn hoắt, phủ 1 lớp lông nâu! Tôi như tê liệt vì kinh ngạc.
“Mời ngài dùng bữa sáng”, gã nói.
Tôi ngó mặt gã chằm chằm, không nói. Gã quay bước ra ngoài, không quên ngoảnh lại ném cho tôi 1 ánh nhìn kỳ cục. Khi đang trông theo gã, trong trí tôi bỗng dưng vọt ra cụm từ “Nỗi Hoang Đàng Moreau”. Phải không nhỉ? Chuyện đã xảy ra 10 năm trước rồi. À, không phải “Hoang Đàng”, “Nỗi Kinh Hoàng Moreau” mới đúng. “Nỗi Kinh Hoàng Moreau”: Cái tít in màu đỏ trên báo, đọc vào sởn gai ốc. Rồi, nhớ rõ rồi, cái bài báo ngày xưa. Lúc ấy tôi hãy còn nhỏ tuổi, còn Moreau chắc khoảng 50. Ông là 1 bậc thầy lỗi lạc về sinh lý học, nổi danh trong giới hàn lâm về trí tuệ siêu phàm, và về sự thẳng thắn đến bạo tàn trong các cuộc thảo luận.
Có đúng là Moreau đấy không? Bác sỹ Moreau ngày xưa từng có những phát kiến gây chấn động về truyền máu, cũng như nhiều công trình nghiên cứu giá trị về u bệnh. Nhưng đùng 1 cái, sự nghiệp của ông tan ra mây khói, và ông phải rời nước Anh. Chả là 1 tay nhà báo nào đó, với ý định kiếm tin giật gân, xin được vào làm trong phòng thí nghiệm của Moreau với tư cách phụ tá. Y đã tả lại những thí nghiệm, viết thành 1 bài báo ghê rợn. Cùng ngày bài báo ra mắt người đọc, 1 con chó khốn khổ chạy ra từ nhà Moreau, da bị lột, khắp mình đầy vết mổ xẻ. Vụ con chó ngẫu nhiên xảy ra (có đúng là ngẫu nhiên chăng?), khiến cho bài báo càng thêm sức nặng, ai ai cũng đọc. 1 ông chủ bút, chính là họ hàng với tay nhà báo, viết bài xã luận “đánh thức lương tâm dân tộc”. Đây chẳng phải lần đầu tiên họ mang lương tâm ra để chống đối các phương pháp nghiên cứu. Rốt cuộc thì người dân phẫn nộ, và bác sỹ Moreau phải bỏ xứ mà đi. Moreau có thể đã sai, nhưng việc học giới đồng loạt bỏ rơi ông, không cho ông cơ hội làm lại cuộc đời, theo tôi cũng là 1 điều hổ thẹn. Theo những mô tả trong bài báo, 1 số thí nghiệm của Moreau đúng là tàn bạo thật. Thay vì bỏ đi những nghiên cứu kiểu ấy để mua lấy cuộc sống bình yên trong xã hội, xem ra Moreau giờ đây chọn cách chối bỏ xã hội để cương quyết đi theo đường riêng. Cũng khó trách, nhà nghiên cứu 1 khi đã đam mê thì sao dứt bỏ cho được. Hơn nữa, Moreau sống độc thân nên nhẹ gánh. Dù ông có cố chấp cũng chẳng liên lụy đến ai.
Tôi cho rằng Moreau đảo chủ chính là Moreau bác sỹ ngày xưa. Bằng chứng rõ ràng rồi còn gì. Giờ tôi đã hiểu tại sao Montgomery lại đem con báo và các loài thú khác về đảo. Và tôi cũng nhận ra rồi: Cái mùi thoang thoảng tôi ngửi thấy từ lúc bước vào phòng chính là mùi thuốc khử trùng ở các phòng giải phẫu. Tôi chợt nghe, từ phía bên kia tường, tiếng con báo gầm lên, rồi tiếng chó kêu ăng ẳng như đang bị đánh.
Tuy nhiên, nói cho cùng, trong giới khoa học thì việc mổ xẻ động vật cũng chẳng phải ghê gớm lắm, có gì mà đảo chủ lại phải giữ bí mật đến vậy? Tôi lại miên man nghĩ đến cái tai nhọn và cặp mắt rực lửa của gã gia nhân. Hết chuyện này đến chuyện nọ rượt đuổi lẫn nhau trong trí, khi tôi ngồi nhìn ra mặt biển xanh tung sóng trong gió.
Thế là nghĩa gì? 1 căn nhà khóa kín trên 1 hòn đảo hoang vu, 1 tay bác sỹ khét tiếng chuyên mổ xẻ động vật, và 1 lũ người què quặt, dị hình?
(Bạn đang đọc truyện tại VipTruyen.Pro chúc các bạn vui vẻ)
Khoảng 1 giờ, Montgomery bước vào, cắt đứt dòng suy tưởng của tôi. Gã gia nhân theo sau, bưng 1 khay đựng bánh mỳ, ít rau, và vài món ăn khác. Có cả ve rượu, bình nước, 3 cái ly, và dao nĩa. Tôi ngờ vực nhìn gã, cặp mắt hiếu động của gã cũng nhòm tôi. Montgomery bảo hắn sẽ dùng bữa trưa cùng tôi, còn Moreau bận quá, chưa ăn được.
“Moreau!” Tôi thốt lên “Tôi biết ông ấy là ai!”
“Mẹ, dĩ nhiên phải biết rồi!”, hắn nói “Tôi hơi bị ngu, lẽ ra không nên nhắc đến tên ổng. Thôi, giờ anh biết ổng là ai, chắc anh cũng đã hiểu phần nào những bí mật ở đây. Rượu nhé?”
“Cám ơn, tôi không uống rượu bao giờ.”
“Ước gì tôi cũng thế. Bây giờ nghiện rồi, còn cai gì được. Vào cái đêm mù sương đó, chính vì cái thức uống chết tiệt này mà bây giờ tôi mới phải ở đây. Vậy mà hồi ấy, tôi còn cho rằng mình may mắn khi được thầy Moreau cứu và cho đi theo. Thật lạ…”
“Montgomery” tôi ngắt lời, khi gã gia nhân vừa đi ra và khép cửa lại “Tại sao tai thằng ấy lại nhọn hoắt thế?”
“Má nó” hắn văng tục, miệng nhồm nhoàm đầy thức ăn. Nhìn tôi 1 lúc, hắn hỏi lại “Tai nhọn hả?”
“Nhọn”, tôi nín thở, ráng nói cho thật điềm tĩnh “có cả lông dày nữa.”
Hắn chậm rãi chiêu vài ngụm nước, rồi rượu.
“Lông bao phủ tai nó. Tôi thấy rõ lúc nó đem cà phê tới hồi sáng. Mắt nó thì sáng rực trong đêm.”
Lúc này, Montgomery đã lấy lại sự bình tĩnh “Nó lúc nào cũng che tai, trước giờ tôi cũng nghĩ tai nó có điều gì lạ. Cụ thể thì cái tai trông như thế nào hả?”
Nhìn cử chỉ Montgomery cũng nhận ra ngay hắn chỉ giả vờ ngây ngô. Nhưng chẳng lẽ lại bảo vào mặt hắn là hắn đang nói dối. “Tai nhọn hoắt”, tôi nói “nhỏ và đầy lông. Nhưng chả cứ gì tai, cả người nó cái gì cũng lạ. Tôi chưa từng thấy ai lạ vậy.”
1 tiếng rống đầy đau đớn bỗng vang lên đằng sau chúng tôi. Xét về độ sâu và âm lượng, tiếng rống hẳn là của con báo. Montgomery hơi rúm người.
“Thế sao?” hắn nói.
“Anh kiếm đâu ra gã gia nhân ấy?”
“Ở San Francisco. Tôi phải nhận là nó xấu. Và ngu nữa. Cũng không còn nhớ rõ làm sao mà gặp nó. Nhưng ở lâu với nhau, tôi quen nó rồi. Nó cũng quen tôi. Anh thấy nó thế nào?”
“Bất thường. Có cái gì ở nó…Đừng cho là tôi hay tưởng tượng…nhưng mỗi khi nó đến gần, tôi lại thấy có cảm giác sợ, người cứng cả lại. Như là ma quái ấy.”
“Kỳ nhỉ!”, Montgomery ngừng ăn “Tôi có thấy gì đâu. Nhưng chắc tụi ở trên tàu cũng như anh, nên tụi nó làm tội thằng quỷ ghê quá. Còn nhớ thái độ thằng thuyền trưởng chứ?”
Con báo lại rống lên, lần này nghe có vẻ đau đớn hơn nữa. Montgomery chửi thề, còn tôi đang định hỏi hắn về lũ thuyền nhân thì phải dừng lại. Sau tiếng rống dài là 1 chuỗi những cơn rên ngắn, dồn dập.
“Còn những đứa ở trên thuyền và bãi biển?” Tôi hỏi “Chúng thuộc chủng người nào?”
“À, chúng giỏi đấy chứ, phải không?”. Hắn lơ đãng trả lời. Con báo thì tiếp tục rên.
Tôi không hỏi nữa. Con báo càng rên nghe càng ghê. Montgmery nhìn tôi với cặp mắt xám lờ đờ, rồi lại uống rượu. Hắn chuyển đề tài sang nói về rượu, bảo rằng đã dùng rượu để cứu tôi. Hắn dường như ráng nhấn mạnh chuyện tôi nợ hắn 1 mạng. Tôi trả lời gióng một.
Giờ thì bữa ăn đã xong. Gã gia nhân tai nhọn vào dọn bàn rồi cùng Montgomery trở ra, để lại tôi 1 mình trong căn phòng vắng. Lúc ngồi ăn, tôi để ý Montgomery luôn phải cố gắng kiềm chế sự khó chịu khi nghe tiếng rên của con báo bị mổ sống. Thần kinh hắn không vững, hèn gì hắn thường tâm sự mình thèm có được tinh thần mạnh mẽ.
Bản thân tôi cũng khó chịu khi nghe tiếng rên. Càng về chiều, con báo càng rên dữ. Vừa vừa còn chịu được, mãi thì phát khùng mất. Tôi quẳng sang bên cuốn sách của Horace (1) đang đọc, tay nắm lại, môi cắn vào nhau, đi đi lại lại khắp phòng. Lát sau, tôi phải lấy tay bịt tai.
Tiếng báo rên dần dần xé lòng tôi. Cuối cùng, nó thê thảm đến độ không thể nào chịu thấu. Tôi mở cửa, bước ra ngoài, giữa cái nóng oi bức của buổi chiều muộn. Nhưng ở ngoài này còn nghe tiếng rên rõ hơn. Tưởng như mọi đau khổ nhân gian đều hội tụ vào trong tiếng rên con báo. Giá thử tôi biết có nỗi đớn đau nơi phòng trong, nhưng không nghe âm thanh gì, thì chắc tôi cũng không mấy quan tâm. Chỉ khi đớn đau phát tiết ra âm thanh, nó mới khiến người lạnh sống lưng, và khiến lòng ta tan nát. Trời đẹp lắm, nắng đang vàng, và những tàn cây xanh đang đong đưa theo gió biển, nhưng khi còn nghe tiếng rên, thì thế giới quanh tôi còn là 1 mớ hỗn độn, đầy những hồn ma bóng quế lượn lờ.

Horace (65 TCN – 8 TCN): thi hào La Mã, sống dưới thời Julius Caesar và Augustus.
K
hông cần biết mình đang đi đâu, tôi sải bước qua những bụi cây trên cái gò sau nhà, qua luôn những cụm cây gỗ lớn. Chẳng mấy chốc, tôi đã tới bên kia gò, rồi đi xuống, men theo dòng suối nhỏ chảy qua 1 thung lũng hẹp. Tôi dừng lại và lắng nghe. Chắc tôi đã đi đủ xa, hoặc cây rừng dày đặc đã ngăn được âm thanh phát ra từ khu nhà. Không khí thật tĩnh lặng, chỉ nghe tiếng xào xạc của lá rừng trên đất, khi 1 con thỏ xuất hiện và nhảy tưng tưng lên dốc. Tôi lưỡng lự chốc lát, rồi ngồi xuống dưới bóng râm của tàn cây.
Nơi này quả thanh bình. Cây cối sum suê bên bờ che đi hầu khuất dòng suối, chỉ để lộ ra 1 tam giác nước long lanh. Phía bờ kia, qua 1 màn sương khói xanh mờ, cây và dây leo chen chúc dưới trời quang thăm thẳm. Đây đó ẩn hiện những đốm đỏ trắng, báo hiệu mùa nở hoa của thực vật biểu sinh. Song cặp mắt mới thưởng ngoạn cảnh thiên nhiên được vài phút, tâm trí tôi lại quay về nghĩ ngợi tới gã gia nhân của Montgomery. Trời nóng quá, nghĩ nhiều dễ gây buồn ngủ. Chẳng mấy chốc, tôi đã thiu thiu.
Ngủ quên đi không biết bao lâu, tôi bị đánh thức bởi tiếng cỏ cây sột soạt phía bờ kia con suối. Ban đầu cũng chẳng thấy gì lạ, chỉ là những ngọn sậy và dương xỉ đang phất phơ. Nhưng thình lình, 1 cái gì đó xuất hiện, nhìn không rõ là chi. Nó vục cái đầu tròn xuống suối, uống nước. Giờ tôi đã thấy rõ: Nó là người , nhưng lại bò 4 chân như con vật. Thằng người mặc đồ xanh nhạt, da màu đồng, tóc thì đen nhánh, miệng chum chúm mút nước chùn chụt. Xấu xí dường như là đặc tính của thổ dân đảo này thì phải.
Khi đang chồm tới trước để nhìn rõ hơn, tôi đụng phải 1 miếng nham thạch, khiến viên đá lăn xuống dốc. Thằng người ngẩng lên, vẻ tội lỗi, tôi và nó nhãn tuyến giao nhau. Nó vội vàng đứng thẳng trên 2 chân, lấy tay chùi mồm. Chân nó ngắn chỉ bằng nửa cái mình. Sau cả phút lặng yên đứng địa tôi, nó quay đi, ngoái lại nhìn vài lần, rồi lủi vào một bụi cây bên tay mặt. Tiếng sột soạt xa dần rồi tắt hẳn. Mãi sau khi nó đi khuất, tôi vẫn ngồi dõi theo. Trong rừng hóa ra cũng chẳng thanh bình.
Lại có tiếng động gì đấy ở đằng sau, lần này chỉ là con thỏ. Tôi đứng dậy, nhìn quanh đầy cảnh giác, cảm thấy hơi bất an khi không tấc sắt trong tay làm vũ khí. Sự xuất hiện của cái tên nửa người nửa thú kia bất giác phá hỏng khung cảnh tĩnh lặng chiều tà. Nhưng rồi tôi nhớ lại là thằng người cũng mặc áo quần, chứ không trần như nhộng. Như thế có nghĩa, tôi tự trấn an mình, nó không đến nỗi dã man. Có khi nó còn hiền nữa là khác, chỉ trông mặt mà bắt hình dong thì dễ lầm.
Tuy trấn an như vậy, nhưng vẫn không thể yên tâm được. Tôi đi về phía tả, dọc theo con dốc, đầu cứ quay ngang quay ngửa, đề phòng. Giống người nào mà đi bằng cả tứ chi, và thay vì uống, lại mút nước chùn chụt? Chợt 1 tiếng rống vọng lại. Ngỡ là tiếng con báo, tôi vội bước tránh sang hướng khác. Hướng này lại dẫn về dòng suối. Tôi băng qua suối, và cứ thế đi mãi giữa những bụi cây.
Tôi giật mình khi thấy trên khoảng đất trước mặt những mảng màu đỏ tươi. Lại gần mới rõ đấy là 1 loại nấm lạ, phân nhánh và có nếp như địa y, nhưng khi chạm vào sẽ tan ngay ra chất nhớt. Bên cạnh đó, dưới bóng những cây dương xỉ lớn, có những vết máu thật: 1 xác thỏ không đầu còn âm ấm đang nằm, ruồi nhặng bu đầy. Thế là trong lũ thỏ mới đến hôm nay, ít nhất 1 con đã đi đời. Có vẻ như con thỏ bất ngờ bị tóm và cắn cổ, nhưng mà ai làm? Cái ý tưởng mơ hồ hình thành trong đầu từ khi thấy tên nửa người nửa thú bên bờ suối nay lại hiện ra rõ ràng trong tôi. Tôi chợt nhận ra mình quá liều khi dám lang thang nơi đây. Nỗi sợ làm tôi bắt đầu tưởng tượng đủ điều. Mỗi bóng cây giờ đây không chỉ là bóng cây, mà còn là 1 ổ phục kích, mỗi tiếng xào xạc của lá là 1 đe dọa. Khắp quanh tôi đầy những kẻ thù vô hình.Trở ngược lại, tôi chạy băng băng như rồ qua rừng cây: Đành phải trở về khu nhà trên bãi biển thôi.
Tôi dừng chân khi trước mặt hiện ra 1 bãi đất trống. Bãi này giống như cái trảng nhỏ ở giữa rừng. 3 bóng người đang ngồi chồm chỗm trên 1 thân cây đổ: 1 đàn bà, 2 đàn ông. Cả 3 gần như trần truồng, trên người chỉ đóng độc cái khố bằng vải đỏ. Da chúng nâu hồng rất lạ, mặt béo ị, trán hõm, cằm lẹm, trên đầu chỉ lưa thưa vài cọng tóc rễ tre.
Chúng ngồi nói chuyện với nhau, đầu và vai cứ quay quầy quậy. Đúng hơn là 1 đứa nói, 2 đứa nghe, chăm chú đến nỗi không phát hiện ra tôi. Giọng đứa đang nói nặng và lè nhè, tôi tuy nghe được mà không hiểu gì sất. Có vẻ nó đang tụng niệm cái gì đó. Hốt nhiên, nó đổi giọng the thé, đứng thẳng lên, giang 2 tay ra. 2 đứa kia cũng đứng lên giang tay và lảm nhảm theo. Chúng vừa tụng niệm vừa nhún nhảy theo nhịp. Cũng như các thổ dân khác trên đảo, chân chúng gầy ngắn, di chuyển rất vụng về. 1 lát sau thì chúng đổi kiểu, nhảy theo vòng tròn, chân giậm, tay vẫy, miệng cứ bi bô cái điệp khúc nghe như “Aloola” hay “Baloola”. Mắt chúng sáng lên, mặt bừng bừng vẻ sảng khoái, nước dãi chảy xuống thành dòng.
Ngồi xem điệu vũ lạ lùng của chúng, tôi chợt nhận ra 1 đặc điểm chung của lũ thổ dân đảo này: Chúng mang hình dạng con người đấy, nhưng mỗi tên có những đặc tính riêng biệt y chang 1 số loài vật quen thuộc: Tên giống chó, tên giống ngựa, vv…Như 3 đứa đang cử hành cái nghi lễ kỳ quặc kia, dù có bề ngoài rất người, dù đóng khố đàng hoàng, nhưng nhìn vào cử chỉ, dáng điệu, cũng như nét mặt của chúng, có cái gì giông giống loài heo. Thật vậy, chúng rõ ràng mang nét heo, không nhầm đi đâu được.
Khi tôi còn đang nghĩ ngợi, bọn người-heo bắt đầu reo hò rồi nhảy tưng tưng lên không. Thế rồi 1 đứa vấp, nhưng nó không ngã, mà trụ lại được trên đất bằng cả tứ chi, và lại đứng lên. Đã quá rõ! Đó là gì nếu không phải bản năng của loài thú vật?
Tôi gượng nhẹ quay lui, cố tránh không gây tiếng động để khỏi bị phát giác. Đi được 1 quãng xa, mới bạo dạn hơn và thôi rón rén. Sợ muốn xỉu, đầu tôi giờ chỉ có 1 ý nghĩ duy nhất: Phải trốn càng xa lũ người quái đản càng tốt. Nhưng muốn trốn có phải dễ đâu. Gần như ngay lập tức, tôi thấy thấp thoáng trong lùm cây đằng xa 1 cặp chân ngắn. Rõ ràng có kẻ nào đó đang chạy song song với tôi, nhưng chân bước êm ru, không phát âm thanh. Tôi dừng lại, dò xét động tĩnh. Cặp chân cũng dừng. Cố nhìn qua các tán lá, tôi thấy thấp thoáng phần thân trên của kẻ đang theo mình: Chính là tên lúc nãy uống nước bên bờ suối. Nó nghiêng đầu nhìn tôi, mắt rực lên tia sáng xanh lục, rồi lủi vào mấy bụi cây đằng sau. Không thấy bóng dáng nữa, nhưng tôi chắc nó vẫn đang đứng đâu đó quan sát mình.
Nó là cái giống gì – người hay thú? Nó muốn làm gì mình đây? Bây giờ vũ khí không có, cả 1 cái gậy đánh chó cũng không. Chẳng lẽ lại bỏ chạy? Nãy giờ nó không dám tấn công mình, hẳn vì nó còn e dè. Nếu bỏ chạy nó sẽ biết ngay mình sợ nó. Lúc đấy thì khốn nạn cái thân!
Tôi cố nén nỗi ớn lạnh, nghiến răng làm gan, đi xăm xăm về phía thằng người. Lách qua mấy bụi cây hoa trắng, tôi thấy nó đang đứng cách mình chừng 2 chục bước chân, vẻ mặt hơi do dự. Tôi tiến tới, nhìn thẳng vào mắt nó.
“Mày là thằng nào?” Tôi hỏi.
Nó kêu lên “Không!”, rồi quay người bỏ chạy. Nhưng mới chạy vài bước, nó dừng để ngó tôi. Dưới ánh hoàng hôn, mắt nó lại sáng rực. Hòn thót lên tận cổ rồi, song đâm lao phải theo lao, muốn sống chỉ còn cách giả đò bặm trợn. Tôi lại tiếp tục tiến lên. Nó lại lùi, và lần này chạy mất tăm.
Tôi chợt nhận ra: Càng về tối, nguy hiểm càng gần. Mặt trời đã lặn vài phút trước, chút ánh dương tàn le lói bên trời đông cũng sắp tắt tới nơi. Bướm đêm bắt đầu xuất hiện, 1 con đang vỗ cánh ngay sát đầu tôi. Nếu không muốn qua đêm trong khu rừng bí ẩn đầy bất trắc này, phải cho thật lẹ tìm đường về khu nhà bác sỹ Moreau. Về cái nhà u ám đầy tiếng rên la ấy cũng chẳng dễ chịu gì, nhưng vẫn hơn ở lại làm mồi cho đêm tối, hay đúng hơn là cho những thứ ghê rợn đang ẩn núp trong đêm. Tôi nhìn lần cuối xem còn thấy bóng dáng thằng người không, rồi mò mẫm cố tìm đường cũ trở về con suối.
Tâm trạng rối bời bời, tôi bước vào 1 khu đất lạ bằng phẳng, lác đác bóng cây. Mộ dương đã tàn, vạn vật chìm vào màn tối. Trời xanh như sâu hơn, khi các vì sao dần dần hiện ra. Không gian rừng vốn xanh bóng cây, nay về đêm bỗng nhuộm sắc đen huyền bí. Ngoại trừ mấy cây cao in bóng trên nền trời, cả khu rừng giờ đây chỉ còn là 1 khối vô dạng thể thê lương.
Tôi vẫn đi mãi. Cây cao ngày càng thưa, chỉ còn toàn cây nhỏ. Rồi đến 1 bãi cát trắng hoang vu, theo sau bởi rừng cây bụi. Lạc mất rồi, lúc chiều có đi ngang bãi cát nào đâu. Bên tay mặt chợt có tiếng xạc xào. Ban đầu tôi còn tưởng nghe nhầm, nhưng sau rõ ràng: Hễ tôi đi thì có tiếng chuyển động theo, mà tôi dừng thì tiếng ấy cũng dừng.
Tôi tránh những chỗ um tùm, ráng tìm đường tương đối quang đãng mà đi, cố gắng ngoặt bên này, quẹo bên kia, hòng đánh lạc hướng kẻ đi theo. Tuy không thấy gì, nhưng tôi chắc chắc mình đang bị theo dõi. Đến gần 1 mô đất cao, tôi tăng tốc, bước nhanh qua, rồi quay phắt lại nhìn. Phía đằng sau, 1 cái bóng cũng khựng lại rồi lủi mất. Chính là thằng hồi nãy. Bây giờ khốn khổ gấp đôi: vừa bị nó rượt, vừa lạc đường.
Gần như tuyệt vọng, tôi cứ rảo chân, và thằng người cứ lén lút bám theo. Nó hình như chưa đủ cản đảm tấn công, hay là đang chờ cơ hội tốt không biết. Vẫn cố chọn những lối quang đãng, thỉnh thoảng lại dừng và lắng nghe, dần dần tôi không nghe âm thanh gì nữa. Nó đã bỏ cuộc ư? Hay tôi chỉ hoang tưởng thôi? Bỗng tiếng sóng biển vọng đến tai tôi. Tôi vội bước nhanh hơn, gần như chạy. Ngay lập tức, có tiếng chân chạy đuổi đằng sau.
Tôi vội quay đầu: Đằng sau chỉ có bóng cây. Lại lắng nghe: Vẫn không tiếng động. Ngỡ rằng mình tưởng tượng, tôi tiếp tục tiến về phía biển.
1 phút trôi qua, hàng cây thưa dần, tôi đã tới được mũi đất thấp dẫn ra biển. Đêm yên ắng và trong lành. Ngàn vạn vì sao đang in bóng trên từng làn sóng êm đềm nhấp nhô. Đằng xa kia, ngành đá bị sóng đánh vào, chợt như tỏa ra tia sáng dịu. Phía trời Tây, sao Hôm tỏa ánh vàng, cùng khoe sắc bên vầng Hoàng Đạo. Theo tôi nhớ thì nhà của Moreau nằm ở hướng Tây ấy.
Chợt có tiếng cành cây gãy. Tôi quay nhìn, vẫn chẳng thấy gì ngoài những bóng cây. Phải cây chăng? Hay có cả người? Trong đêm tối, bóng nào cũng đều đáng sợ. Vẫn để mắt vào rừng cây, tôi quay sang hướng Tây. Tôi vừa đi, 1 cái bóng cũng dịch chuyển đi theo.
Tôi lại dừng, tim đập thình thình. Cái bóng cũng dừng. Đứng ở đây đã thấy được cái vịnh phía Tây, thấy cả 1 điểm sáng nho nhỏ ở bên ấy. Nhưng muốn tới được bãi biển phía Tây, buộc phải đi qua đám cây rừng chỗ cái bóng đang đứng. Giờ tôi đã thấy cái bóng rõ hơn. Nó đứng 2 chân, như vậy không phải thú. Tôi mở miệng định nói, nhưng đờm dãi tự dưng dâng lên nghẹt cổ, phải đến lần thứ 2 mới thốt ra lời.
“Ai kia?”
Tôi tiến thử 1 bước, chân vấp nhằm hòn đá. Thằng người không động đậy. À, có cách rồi! Mắt vẫn ngó chăm chăm thằng người, tôi cúi xuống lượm hòn đá lên. Vừa thấy hành động của tôi, thằng người liền lùi ngay lại, chạy đi. A ha, thế ra mày cũng sợ cúp đuôi như chó. Ngày bé, tao từng dùng đá dọa mấy con chó to lắm cơ. Tôi đặt hòn đá vào trong khăn mùi xoa, rồi quấn khăn vào cổ tay. Tiếng chân nghe như xa dần, hình như thằng người đã chuồn. Tôi thở phào, người run rẩy, mồ hôi trào như tắm.
Lấy lại can đảm, tôi chạy nhanh qua những bụi cây phía bên sườn mũi đất. Vừa chạy được ra thì có tiếng đuổi theo. Sợ hết cả hồn, tôi lại chạy vắt giò lên cổ dọc theo bãi cát. Tiếng chân đuổi theo nghe cũng nhanh không kém. Tôi gào lên, và tăng tốc gấp đôi, băng qua mấy con gì đó đen đen to gấp 3, 4 lần con thỏ.
Chừng nào còn sống, tôi không thể quên nỗi kinh hoàng hôm ấy. Tôi chạy ra sát mép nước, nghe rõ mồn một tiếng chân bì bõm đang rượt đằng sau. Ánh đèn kia rồi, nhưng hãy còn xa, xa như vô vọng. Chung quanh giờ chỉ có bóng đêm, và cái tiếng bì bõm, bì bõm càng lúc càng gần. Vốn ít tập thể thao, tôi gần như hết hơi, hông lại bị xóc, đau như dao đâm. Không kịp nữa rồi, thế nào cũng bị tóm trước khi kịp về tới nơi. Tôi bèn quay lại, mặt đối mặt với thằng người, quăng hòn đá vào nó khi nó vừa trờ tới. Thằng người đang đuổi theo bằng cả tứ chi, vừa thấy tôi ngừng liền đứng thẳng lên, và…ăn ngay củ đậu vào thái dương bên trái. Nghe bốp 1 tiếng như bể sọ, thằng người nhào vào tôi, đẩy tôi qua một bên, rồi lảo đảo thêm vài bước, trước khi té úp mặt xuống bãi cát, nằm im bất động.
Thằng người nằm 1 đống dưới trời sao, với cát biển làm giường, và sóng đánh bên tai. Lãng mạn thật! Mặc kệ nó đấy, tôi thu gom chút sức tàn lực kiệt, cố chạy về phía có ánh đèn của khu nhà. Đã nghe con báo rên rồi. Tiếng rên con báo lúc chiều xé lòng bao nhiêu, thì bây giờ lại làm tôi nhẹ người bấy nhiêu. Có tiếng người gọi tôi.

.:Trang Chủ:.
Copyright © 2020 - Đọc Truyện - All rights reserved.

XtGem Forum catalog