Đọc truyện
Chương 10 - Nắng Hanh Vàng
Thung lũng Hoa Vàng đã tràn đầy nắng mới, thứ nắng mỏng như tơ, lung linh trong đám lá non mới bung, như vòng tay đưa hơi ấm vào cái lành lạnh êm dịu của những ngày cuối xuân.

Xưa kia, ở ngoài Bắc, nắng này đã có một cái tên rất nên thơ: Nắng hanh vàng. Những cô gái đã đưa những tấm áo nhung ra hong nắng để sửa soạn cất lại vào tủ dành cho mùa đông năm tới. Các bà mẹ quê đưa đàn con ra ngồi bên hè chải đầu bắt chấy.

Năm năm tư, khi di cư từ Bắc vô Nam, người di cư đã bực bội không ít vì cái khí hậu hai mùa của miền đất mới. Nhưng mấy năm sau, bỗng miền Nam thời tiết thay đổi, có những ngày cũng lạnh như khí thu ngoài Bắc: buổi sáng sớm phải mặc thêm áo len mỏng, chiều về, các cô có thể diện áo nhung, quàng khăn "soirée" đi dạo phố Bonard, các cậu có dịp thả hồn thơ bên ly cà phê trong Givral, La Pagode hay tình hơn trong Cà Phê Gió Bắc đường Phan Đình Phùng để ngắm dáng mai gầy của cô chủ quán tóc đen dài và mượt như mây. Nhiều người Nam bảo người Bắc di cư đã mang cái lạnh miền Bắc vô Nam. Thế ra đến khí hậu cũng biết chọn tự do sao?

Và từ đó, Saigon cũng có Nắng Hanh Vàng. Nắng Hanh Vàng như quả mận trái mùa, quý nhưng èo ọt, chát chua.

Hôm nay, ngồi ở góc phố này, nhìn những bóng nắng phơi phới ngoài đường phố, tôi bỗng nghĩ tới cô em gái tôi, con bé khốn khổ mà trong cái đời sống chật vật đảo điên ở xứ này, có mấy khi được ai nhắc tới.

Viết về người yêu thì ngàn lần không hết bâng khuâng, viết về trăng Thu thì bao bài thơ cũng vẫn còn lai láng, dạt dào! Nhưng muốn viết về em gái của mình thì thực chẳng biết viết gì. Thân thiết, kề cận đấy, nhưng cũng dửng dưng xa cách đấy. Kỷ niệm thì giản dị, bình thường. Nó thiếu cái day dứt, buồn phiền đớn đau. Nó không đủ để ghi những nét đậm muôn đời khó phai thì làm sao có sức rung động lòng người. "Lời vui khó nói, điệu buồn dễ hay" là vậy.

Rồi một ngày vui, đối với tôi bây giờ, những ngày xa xưa còn ở quê nhà, dù là những ngày đau khổ nhất, cũng vẫn là những ngày vui, hai anh em tôi tình cờ ngồi bên hiên nhà nói chuyện văn thơ. Nó chẳng bao giờ tâm sự với tôi cả, chẳng bao giờ ngồi bên tôi lấy mười phút, trừ những đêm bận rộn canh bánh chưng vào những ngày cuối năm. Bỗng hôm ấy nó đã nói chuyện riêng với tôi hàng giờ.

Câu hỏi đầu tiên tầm thường và ngớ ngẩn, lúc đó tôi nghĩ thế, về từ của một bản nhạc:

- Cái gì lại là Nắng Thủy Tinh: "Mầu Nắng như là mầu mắt em"? !

Trong bụng tôi nhẩm tính tuổi của nó. Mình có thể nói chuyện tình với người yêu tuổi mười lăm, nhưng với em gái, chuyện đó rất là ngượng ngùng. Cũng may, em tôi cũng đã xấp xỉ đôi mươi. Tuy nhiên, tôi vẫn dùng cái giọng lấp lửng:

- À, cái anh này ví làn nắng trong sáng như một khối thủy tinh. Rồi người ta dùng tam đoạn luận để diễn tả câu sau: Nắng trong như thủy tinh, mắt em như mầu nắng, thì mắt em cũng trong như thủy tinh!

Tôi yên trí nó hiểu lối lý luận đó vì nó vừa đậu tú tài hai.

Quả thực nó lấy cái lý luận khúc triết của tôi, lắc đầu:

- Mấy ông này diễn tả tình gì mà lộn xộn quá.

- Tôi nhắc chừng:

- Cô còn nhớ La Martine không? Đó là người ta viết một thứ văn biểu tượng. Người khác muốn hiểu thế nào là tùy mức độ thức cảm của từng người. Có khi người đọc còn hiểu hơn chính tác giả nữa.

Tôi nhớ đến ông cậu ruột, một giáo sư dạy Việt Văn một thời rất nổi tiếng ở Saigon, đã có lần cười và nói: "Nếu Nguyễn Du mà sống lại, đọc những bài bình giải Truyện Kiều của mình, chắc chắn sẽ ngạc nhiên vì đám hậu sinh đã gán cho cụ những điều mà không bao giờ cụ nghĩ tới khi viết Truyện Kiều".

Nó ngồi phân tích từng câu ấm ớ của bài ca. Tôi thì cứ giải thích theo cái nghĩa trong sáng và vô tình của tuổi đôi mươi. Ngoài kia, nắng hanh vàng đã không còn vàng, mặt trời đã lên cao và nắng đã bạc mầu.

Tôi bỗng nảy ra sự so sánh:

- Nắng thủy tinh là một thứ tình cảm anh em, nó là một thứ tình bàng bạc khắp mọi nơi, đậm đà đấy, nhưng là một thứ tình trong sáng chỉ ấp ủ trong lòng mọi người, chứ nếu diễn tả ra, nó lại trở nên hời hợt và khách sáo. Dùng nó để biểu tượng cho tình yêu đôi lứa là một lầm lẫn, thiếu tế nhị.

Nó nhìn ra ngoài trời nắng, khẽ thở dài.

Và tôi đã phải băn khoăn vì ít lâu sau, tôi bắt được một bản nhạc Nắng Thủy Tinh nhầu nát trong thùng rác, bản nhạc có chữ ký của một người tặng em gái tôi.

Bây giờ, nhìn ánh nắng ngoài kia? Nắng Hanh Vàng Cali, cũng trong sáng và đẹp như nắng tại quê nhà, nơi em tôi đang bị đọa đầy, tôi vẫn thấy sự so sánh của mình ngày xưa là đúng, nhưg chỉ ân hận là em tôi hãy còn cô đơn.

Lúc đó, trời đã muộn lắm. Lẽ ra tôi đã về nhà từ lâu, nhưng vì có một chút việc cần phải làm gấp cho khách hàng, nên tôi nán lại để giải quyết cho xong.

Trời bỗng đổ mưa, khí lạnh như bốc lên đầy văn phòng. Một nỗi cô đơn vụt xâm chiếm hồn tôi. Tự nhiên thèm một ly cà phê, một giọng ca ngọt ngào và cái không khí ấm áp của gia đình ... Tôi vội xếp dọn đồ để sửa soạn ra về. Giữa lúc đó thì có điện thoại.

Tôi khẽ thở dài, nhắc ống điện thoại lên:

- Alô, tôi nghe đây.

Giọng đàn ông khàn khàn thực xa vắng:

- Có phải tòa báo K.D đấy không ạ?

- Vâng, ông cần gì chúng tôi?

- Tôi muốn nói chuyện với tác giả bài tùy bút Nắng Hanh Vàng ... Ông có thể giúp tôi được không?

Tôi hơi ngạc nhiên hỏi:

- Tôi đây ... có chuyện gì vậy ông?

- Vì em là người tặng bản nhạc Nắng Thủy Tinh ...

- Ông thực quen em gái tôi?

- Đúng vậy, em mới vượt biên ...

- Thế thì hay quá!

- Vâng, em có ghé qua đàng nhà trước khi đi. Có thư cho anh đây. Đọc bài tùy bút của anh trong trại tỵ nạn, không ngờ khúc rẽ của cuộc đời tụi em lại do lời nói vu vơ của anh ... Một đứa trở thành Trần Thị Cô, đứa kia thành Nguyễn Văn Độc vì cả hai chúng em vẫn còn "cô độc" đó anh ... Cũng là tại cái số thôi ... !

Tôi thực ân hận nên cũng chẳng biết nói sao. Bên kia, hắn tiếp:

- Thôi anh nhé ... Để có dịp em sẽ đến anh chơi.

Chưa kịp có phản ứng gì thì điện thoại đã cúp. Tôi còn muốn hỏi hắn nhiều điều, hoặc ít nhất tên, địa chỉ hay số phôn ... Tuy vậy, hắn nói sẽ tới thăm thì chắc sẽ giữ lời.

Về tới nhà, tôi sực nhớ tới tên "Nguyễn Văn Độcé, nên hỏi tụi nhỏ:

- Tối nay có ai điện thoại cho bố không?

- Dạ không!

Thực lạ ... Vậy tại sao hắn biết tôi còn trên văn phòng mà gọi chứ?

Nhưng một điều làm tôi ngạc nhiên hết sức vì trong đống thư từ chiều hôm đó nhận được, có thư gửi từ một trại tỵ nạn ở Thái Lan, trong đó có một lá thư của em gái tôi viết từ Việt Nam, và mấy hàng chữ của một người nào đó, nội dung như sau: "Thưa ông, một người bạn của tôi bị tử nạn trên đường vượt biên. Trước khi mất, có nhờ tôi chuyển lá thư này cho ông."

Tên "Nguyễn Văn Độc" đã chết? Thế lúc nãy ai đã gọi điện thoại cho tôi? Hồn ma của hắn chăng? Kể chuyện này, ai cũng bảo là ma ...

Từ đó, tôi không dám làm việc khuya tại văn phòng nữa ... vì chỉ sợ phải nghe tiếng điện thoại.

Và tôi đã ghi lại truyện này ... như là một trường hợp gặp ma ..."

Chú thích: Một thời gian sau đó, chuyện tưởng như đã quên đi. Nhưng trong một buổi tối văn nghệ, khi ra về, tôi bắt gặp một thanh niên ngoài bãi đậu xe. Vì tối quá, tôi không nhận ra nét mặt, nhưng cái giọng khàn khàn tôi chưa quên ... Hai hàm răng của hắn trắng dã. Hắn cười khẩy, rồi nói nhanh:

- Anh đã viết truyện về hồn ma Nguyễn Văn Độc chưa?

Hắn nói xong, cười lớn bỏ lên xe, đi liền ...

Tôi ngẩn người ... Thì ra có người diễu cợt cái nghề viết truyện ma của tôi. Nghĩ thực mắc cở. Nó xưng tên là Độc, kể cũng độc thực! !!

Tuy nhiên, truyện đã viết rồi thì không thể bỏ đi.
-- http://viptruyen.pro --
Chương 11 - Thung Lũng Ma
Chín giờ đêm. Con đường lên dốc cao, càng nhỏ dần. hàng cây ở hai bên như gần lại. Tay lái của Tâm vững và quen đường lắm mới có thể lái được lên khúc đường này? Một chập sau, xe vào một khu đất trống và khá bằng phẳng. Tâm ngừng xe lại. Chúng tôi mở cửa bước ra ngoài. Trên cao, thực thoáng. Tâm kéo tay tôi ra đứng bên mép hàng rào nhìn xuống phía dưới thung lũng. Dưới kia, ánh đèn rực rỡ, tôi có cảm tưởng như một mâm kim cương. Bên mặt là vùng Milpitas, ở giữa là San Jose, qua bên trái chắc là Cupertino và xa hơn là vùng kỹ nghệ điện tử Sunnyvale ...

Tâm đưa tay chỉ xuống phía dưới, giọng giảng giải như đang đứng trên bục gỗ trong một lớp học:

- Anh thấy không ... khu kỹ nghệ này bây giờ là ''top'' về high technology, chỉ vài năm nữa sẽ dẫn đầu thế giới về kinh tế ... Mình may mắn lắm mới được ở một nơi đặc biệt như thế này ...

Tính Tâm vẫn muốn nói những chuyện phô trương như vậy .... Tiếp theo là một lô thống kê mà Tâm đọc được ở đâu đó, trong sách vở hay báo chí để chứng minh những nhận định ''sâu xa'' của mình. Tôi đứng nhìn xuống thung kũng kia, nghĩ rất mông lung về cái lá bùa mới nhận được mấy bữa nay... Ông bạn già tù trong trại cải tạo đã được thả về ... và mới gửi sang cái lá bùa mà ông hứa hồi trước. Tôi nhớ đến cái chết của một người bạn năm nào ... mắt bị móc, tim bị nổ tung ...

- Nó bị trùng giết ... thứ trùng này giống như ma cà rồng ...người thường không biết được. Phải có lá bùa mới khám phá ra nó ... Có khi chính con ma cũng không biết nó là Ma ... Ông thầy tôi có thể vẽ lá bùa này ...

Truyện tưởng như là hoang đường, nhưng không ngờ ông ấy gửi lá bùa sang cho tôi thật. Lá bùa hiện đang nằm trong túi áo. Trong khi Tâm đang thao thao bất tuyệt thì tôi lén lấy nó ra nắm chặt nơi tay.

''Cậu sẽ thấy nơi nào ánh đèn trở nên tím ngắt, nơi đó có 'nó' cư ngụ đấy ...''

Tôi từ từ xiết chặt lá bùa trong tay ... mắt dõi nhìn xuống thung lũng ... Định thần một lúc, tôi ngạc nhiên hết sức vì ở một nơi nào đó, có ánh sáng tím ngắt nhoáng lên ... nhoáng lên như những làn chớp rồi tắt. Thế ra câu chuyện là thực ... Vài tháng trước, đi một đám ma người quen, tôi ngạc nhiên khi thấy người chết đeo kính dâm ... Tôi không tiện hỏi. Có lúc đã nghi... nhưng không chắc lắm nên bỏ qua. Không ngờ bây giờ, nghĩ lại, thì chắc đó là một trường hợp ... như anh bạn trong trại cải tạo.

Cất lá bùa trong túi, trong long hết sức thắc mắc. Tôi giục Tâm ra về .

Đêm hôm đó, tôi trằn trọc mãi không sao ngủ được. Thì ra, thung lũng này đã bị một thứ ma trùng này xâm nhập. Rồi đây, biết bao nhiêu người sẽ bị hại. Theo lời dặn, tôi chỉ cần nắm lá bùa trong tay phải, đưa tay trái bắt tay trái của kẻ khác, nếu cảm thấy có một luồng điện nhè nhẹ chạy qua thì là "chính hắn" rồi ... Sỡ dĩ phải nắm tay trái vì lúc đó, theo như ông già cho biết, ngực trái của con ma sẽ hiện ra một nốt son nhỏ, là chỗ tích tụ cái tinh chất "ma" của nó khiến đủ sức phát ra luồng điện lạ ... để ta có thể cảm nhận được...

Tôi định bụng sẽ làm một cuộc điều tra toàn diện xem những đứa nào là Ma ở cái thung lũng này ... để trừ hại cho đời. Tôi vào sở làm ngồi bên các đồng nghiệp, mắt cứ lắm lét nhìn họ, lòng thắc mắc không biết trong số này, ai là Ma đây ... Cả những người thân nữa, nếu tôi khám phá ra họ là Ma thì tôi sẽ phải đối phó ra sao chứ? Tôi lưỡng lự suốt buổi để rồi chẳng lấy lá bùa ra thử một lần nào cả. "Chính con ma cũng không biết nó là Ma ..."

Mùa Halloween vừa rồi, báo chí địa phương réo lên vì một nhận định binh vực cho ma cà rồng của một nhà khoa học Mỹ... Đã có những bài báo tố giác một số người là ma cà rồng... Nhưng cũng chỉ tố giác suông thôi, chưa ai đã nắm được bằng chứng thật sự. Người ta nghi ngờ lẫn nhau ... Tố cáo nhau. Có khi chính những con ma lại to mồm hơn ai hết. Nhưng chắc chắn, tuyệt nhiên chưa có ai có một lá bùa như tôi đang có trong tay.

Sinh ngừng nói, nhìn sâu vào mắt tôi, hỏi:

- Nghe tôi nói từ nãy đến giờ, anh có tin câu chuyện là có thực không?

Tôi cười khỏa lấp:

- Không thử thì làm sao biết?

Sinh khẽ lắc đầu, nhìn xuống ly cà phê đen:

- Tôi cũng đã nghĩ như thế... Tôi cũng đã định thử với chính vợ, con tôi ... với vài người bạn thân ... như anh chẳng hạn ... nhưng may mà tôi bỏ ý định ấy ngay ... vì tôi thiếu can đảm! nếu thực sự tôi khám phá ra họ là Ma... không những chẳng ích lợi gì mà còn khổ tâm hơn nữa là khác. Vậy thì thôi đi là xong ...

Sinh liếc xéo tôi làm tôi giật mình kinh hãi ... Tôi có dám để cho Sinh thử không? Nếu tôi bị khám phá là Ma thì sao đây?

Giọng Sinh thấp xuống:

- Từ khi có lá bùa trong tay, tôi mất ăn mất ngủ ... lúc nào cũng như bị dằn vặt đủ điều. Tôi đã nghĩ tới một vài đứa... ở đây, cũng muốn vạch cái mặt Ma của chúng nó ra, rồi lại thôi ...

Nhìn đồng hồ treo trên tường của quán cà phê: bốn giờ rồi. Tôi chợt nhớ tới buổi Văn Nghệ Tuyển Lựa Ca Sĩ của một anh bạn, vội bảo Sinh:

- Mình đi dự Đại Hội Tuyển Lựa Ca Sĩ Tượng Vàng đi Sinh ...

Sinh uể oải trả lời:

- Cũng hay. Nhưng anh muốn xem lá bùa không?

Ừ, đưa đây coi.

Sinh lấy trong túi ra một miếng giấy rơm màu vàng. Tôi đỡ lấy, mở ra xem, chỉ thấy những nét mực tầu ngòng ngòeo vô trật tự.

Sinh nhìn tôi:

- Anh có muốn thử không? Muốn thì giữ lấy ... tôi hơi ghê sợ nó rồi đấy ...

Tính tò mò nổi lên, tôi cười:

- Được, anh cho tôi mượn tối nay đi ...

Tôi cầm lá bùa với một cảm giác bâng khuâng lạ lùng ... Có thực tờ giấy này có thể giúp tôi khám phá ra Ai Là Ma chăng? Để chốc nữa vào trong phòng trà mình thử xem sao ...

Chúng tôi rời quán cà phê, lên xe lái về phía đường Coleman, hướng Bắc của San Jose.

Buổi Đại Nhạc Hội thực thành công. Không còn một ghế trống. Khách mộ điệu còn phải đứng đầy hành lang vì hết chỗ. Tôi hăm hở đi tìm những người quen biết ... những tên tôi nghi ngờ ... rồi đến những bạn thân ... đến vợ con tôi đang ngồi say sưa nghe hát ở một chiếc bàn gần sân khấu. Nhiều lần đã nắm lá bùa trong tay ...đã giơ tay trái ra để bắt, nhưng cuối cùng tôi đều rút nhanh tay lại:

- "Biết rồi làm gì? Mình sẽ làm gì những con ma này...nếu nó là người thân ...của mình?"

Lời Sinh cứ vang lên bên tai ... tôi lại cất lá bùa vào túi ...

Chương trình được nửa chừng thì ông trưởng ban tổ chức kéo tôi ra ngoài:

- Ông Linh này, nhờ chút chuyện được không?

Được chứ.

Có một ca sĩ phải về "Lốt" bây giờ, ông đưa ra sân bay dùm được không?

Bỗng nghĩ tới lá bùa, tôi vui vẻ, sốt sắng:

- Không sao, tôi đi cho .

Họ đang chờ ông ở cửa sau tòa nhà. Được người lạ này ở xa, đâu có dính dấp gì đến mình ... để thử một lần cho biết...

Người nữ danh ca mặc toàn đồ đen, nhanh nhẹn bước vào xe, A thì ra là nàng này ... Tôi đã từng thấy nàng hồi xa xưa khi còn ở Saigon, ngày nàng còn bé tí teo ... và chỉ hát tân nhạc trong đoàn cải lương ... Bây giờ thì khỏi nói ... đẹp và nổi tiếng nhất nước rồi. Chúng tôi trao đổi những lời rất ngắn và gọn. Lá bùa đã bí mật nằm trong lòng bàn tay phải ...

- Cô thích hát loại nhạc nào nhất?

Tôi hỏi cho có chuyện để làm quen. Nàng trả lời rất dễ thương:

- Dạ, em yêu quê hương vô cùng nên thích hát những bản nhạc ca ngợi quê hương ...nhất.

Xạo ... Tôi đang nghi ngờ cô nàng là Ma... Nhất là...Tôi hỏi:

- Ông cụ độ này ở đâu, có khoẻ không?

Cảm ơn anh, ba em còn ở Paris, ông cụ vẫn khoẻ ...

Thực dễ mến ... Tôi nhìn xéo khuôn mặt kiều mị của nàng ...Tới lúc từ biệt, tôi mà đưa tay ra bắt chắc chắn người thiếu nữ sẽ không từ chối. Và lúc đó nếu nàng là Ma ... vết son sẽ hiện trên ngực trái trắng muốt kia, luồng điện chạy sang tôi ... Rồi sao đây? Tôi sẽ tìm cách tiêu diệt nàng chăng ... Tôi phân vân quá ...để những loại Ma này thì chỉ có nước chết cả đám... Tôi lại lén liếc sang cô danh ca ... khi xe đang từ từ vào trong parking lot của phi trường.

- Thựa phiền anh quá ... đang nghe nhạc vui lại phải đưa em ra đây.

Không sao ...cô.

Nàng dịu dàng, thân tình quá. Tôi tần ngần ... đang định giơ tay trái ra ... nhưng rồi lại thôi.

- Thôi anh để em ở đây được rồi ...không hết cả buổi nghe nhạc ...

Tôi thực không nỡ làm cái việc khuất tất ...để điều tra nàng, nên vội nói:

- Vâng, tôi xin phép về nhé.

Nói xong, tôi quay gót như muốn chạy trốn.

Về tới phòng trà ... chương trình đang tới hồi hấp dẫn. Tôi tìm Sinh, vội trả lại lá bùa.

Sinh hỏi nhanh:

- Anh đã dùng thử chưa?

Chưa. Thôi để lúc khác đi ...

Thì ra, chúng tôi đều là những kẻ quá nhiều tình cảm ... rồi đây ... có ngày sẽ chết vì cái yếu đuối này ....
-- http://viptruyen.pro --
Xuân Yêu Thương của Hồ Linh
Người đọc : Diên Nghị
Tập truyện ngắn chọn khung cảnh ngày Xuân - nhân vật trong mỗi truyện, ngôi thứ I, cũng là tác giả - Liên hệ, diễn tiến sự việc dàn trải trong những dịp Xuân xa xôi - quá khứ. Thửa thiếu thời, tâm hồn rung động chân thật trước bóng hình khác phái. Tình yêu lứa đôi, nơi chốn thiên đường, nơi người nam nữ lớn lên bằng ý thức, cảm xúc tự nhiên, lãng mạn như Xuân Diệu đã nghĩ:

"Nào ai định nghĩa được tình yêu.

Có nghĩa gì đâu một buổi chiều.

Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt.

Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu"

Thản hoặc, nằm thương nhớ đầu đời một hình ảnh nào đó, mà ước mong dịu dàng, ý nhị để được ngọt ngào, nồng ấm hai chữ "anh em":

"Bữa nay lạnh, mặt trời đi ngủ sớm

Anh nhớ em, em hỡi, anh nhớ em"

"Bông Mai Vàng" vào chuyện, ghi cuộc di cư từ Bắc vào Nam đầu năm 1955. Điểm đến Sài Gòn, ngỡ ngàng, xa lạ đối với tuổi niên thiếu học trò. Những khác biệt từ ngữ thông dụng, giao tiếp sinh hoạt hàng ngày giữa Bắc và Nam. Người mới đến học được từ ngữ mới và hiểu ra rằng dù cùng đồng bào, dân tộc, mỗi miền có một đặc thù ngôn ngữ riêng để chỉ gọi một cái chung.

Không, Sài Gòn nói là "hổng", về nói là "dìa", cây nến là "đèn cầy" ... Những âm thanh lạ tai đó, phát ra từ miệng một thiếu nữ xuân thì càng mang tiết điệu ngọt ngào, duyên dáng, dễ nghe, dễ cảm. Những ngày trước Tết, đi chợ Tân Định, bên kia đường là chợ hoa đào, hoa mai và dọc đường Trần Văn Thạch. Hai Bà Trưng cũng có những "ông đồ" trải chiếu viết chữ Nho trên giấy hồng điều, những câu đối Tết, khách đặt mua khá rộn rịp. Bên cạnh ông đồ là cô gái miền Nam trẻ đẹp. Một cơ hội mau mắn được làm quen với cô. Đôi mắt to và sáng, môi hơi mỏng, đỏ như tô son. Miệng cười tươi lộ hàm răng đều, trắng bóng. Làn da hồng hào, nổi bật trong chiếc áo bà ba phin nõn, ngực hơi nhô lên, đủ để người ta nhận ra nét thanh tân của thiếu nữ dậy thì. Cô tên Kim Liên. Say đắm người đẹp lần đầu gặp mặt, trộm nhớ thầm yêu, và trong giấc mơ tuổi trẻ, có một ước định dài lâu, nên nhiều lần sau đó đã đến trường tìm kiếm Kim Liên, coi như đã là người yêu muôn thuở. Bẫng đi một thời gian, người tình trong mơ ước đã không còn trở lại. Một tai nạn bất ngờ trên dòng sông hậu đã cướp mất Kim Liên khi cô về thăm quê.

"Xuân Yêu Thường". Hàng năm vào mồng 3 Tết, gia đình tôi vào tu viện thăm bà cô đang tu tại đây. Tôi đã gặp một người con gái được các sơ cho ăn diện rất sang, để chỉ tặng hoa cho đoàn người đến viếng. Cô tên Xuân Dung. Một lần vào dịp Giáng Sinh trong nhà thờ, Xuân Dung hát thánh ca, tuổi dậy thì, trổ mã ngời sáng dưới ánh đèn đêm lễ, khiến người thưởng ngoạn không tả siết được khuôn mặt khả ái, với bờ môi mọng

hồng...khép mở theo từng lời ca tưởng chừng như đang đứng trước một thiên thần của Chúa. Tôi và Xuân Dung trong tình yêu thầm lặng, dù nàng ở tại trường sơ, nàng thuộc diện mồ côi, nên tình thương đối với nàng rất cần thiết. tình yêu là hy vọng, là cảm hứng, là ma lực có thể vượt qua mọi khó khăn trở ngại, nhưng khi tha thiết với tình yêu cũng chính là lúc lo sợ tình yêu sẽ mất. Chuyện đến tai mẹ tôi. Bà mai mỉa vì tôi còn quá trẻ, cần phải học hành đỗ đạt. Tôi hẹn với Xuân Dung hai năm tôi ra trường và cũng để mẹ tôi có thời gian đủ nhìn ra nàng xứng đáng một nàng dâu thảo. Cơ duyên đành ngừng đọng không qua khỏi ngưỡng cửa gia đình do mưu sâu của mẹ. Không đạt được ước vọng xây dựng tình yêu chân thật, tôi nhận được thư vĩnh biệt của nàng "mối tình tầm thường của nhân thế" để theo tiếng gọi dâng mình cho Chúa: "Chúa ơi, Ngài có không biết bao nhiêu là đệ tử đeo những chiếc nhẫn bạc trung trinh rồi, trong khi tôi chỉ có một mình Xuân Dung mà Ngài cũng nỡ gọi thêm nàng sống đời tận hiến".

" Tiếng Hát Trong Đêm". Con hẻm Sài Gòn thuở ấy, có nhà ban đêm phải dùng "đèn đất". Gia đình tôi vừa di cư đây thực là nghèo. Lương công chức của cha tôi, dẻ xẻn lắm mới nuôi được năm con còn đi học. Nhà tôi sát nhà hàng xóm chung một vách bắng gỗ. Nhà bên cạnh, hai chị em sống âm thầm. Anh Sáu, em của người phụ nữ, bên kia hàng rào làm thân ngay với chúng tôi lúc tôi mới đến. Tôi nghe được tên người phụ nữ là chị Út. Chị thường thích hát. tiếng hát nho nhỏ, ngọt ngào. Chị yêu mầu trắng, chị mặc áo trắng bà ba. Chị rất có tình thương người khốn khổ. Chị thấy mỗi đêm tôi ngồi học bên ngọn đèn dầu, nóng nảy, nên chị muốn giúp cho câu điện mà xài. Tự nhiên tôi ngầm cảm phục và mến chị. Một hôm đi học về, nghe chuyện chẳng lành. Chị Út đã bị cảnh sát bắt chở đi. Tôi vừa ngạc nhiên, vừa xót xa. Con người hiền lành như chị làm sao mà bị bắt? Thì ra, khám phá ra chị Út mắc bệnh phong cùi. Cách ly chị khỏi xã hội hiện hữu, đến một trại cùi nào đó. Tôi mênh mang suy nghĩ đến thân phận những con người rủi ro, bất hạnh, và những tình cảm thân quen chị Út đã dành cho ...

"Hệ Lụy Thuở Xuân Thì". Hạnh rời xa miền Bắc đã hơn 30 năm ở lứa tuổi 17, 1_. Ba mươi năm qua, bao vật đổi sao dời xảy ra trên miền quê hương hệ lụy, nhưng tình đầu giữa Hạnh và Liên vẫn vướng bận tâm trí Hạnh, Hạnh di cư vào Nam sau 1954. Vì hoàn cảnh gia đình, Liên ở lại miền Bắc. Hẹn nhau, nếu Liên không đi được thì gắng chờ 2 năm sau, hai miền thống nhất, "chúng mình sẽ gặp nhau". "Quả nhiên không cứ 2 năm, mà 20 năm sau Việt Nam cũng chẳng có tổng tuyển cử. Ngược lại, thêm một lần nữa, hàng triệu người miền Nam lại phải ra đi, trả giá cho ý nghĩa "tự do". Hạnh, sĩ quan miền Nam cũng theo dòng di tản ấy. Hơn ba mươi năm xa lìa quê cha đất tổ, nơi sinh ra và lớn lên, Hạnh từ Mỹ trở về chốn xưa giữa một ngày Xuân. Tòa nhà của gia đình Hạnh nay xơ xác, cũ kỹ, teo tóp hiện ra. Ở một góc phố kia, giữa khí lạnh se da trong nắng hanh vàng, bên gốc phi lao già. Hạnh như mường tượng thấy bóng hình của Liên đâu đó. Hạnh hỏi người bà con về Liên. Chuyện xưa được kể lại trong bùi ngùi chua xót. Liên không còn nữa. Và dạo đó, khi bắt đầu cuộc di cư từ Bắc vào Nam, Liên bị mang tiếng chửa hoang và gia đình ruồng rẫy, không biết ai là tác giả của cái bào thai. Dù gặn hỏi, áp lực, Liên vẫn kiên trì không tiết lộ.Cái bào thai trưởng thành, một nam nhi nay đã quá 30, não trạng chất chứa căm thù đế quốc Mỹ, bom đạn rơi giữa lòng quê hương và cướp mất người mẹ thân yêu. Hạnh thẫn thờ, hồi tưởng tháng năm nơi xứ người. Hạnh luôn thắc mắc về một buổi chiều cuối cùng với Liên trong hầm tối. Hạnh cố tìm kiếm dấu vết kỷ niệm, sau dâu biển chiến tranh. Tìm lại nét chữ của Liên viết bằng than đen không biết từ hồi nào mà đã mờ mờ: "Liên +Hạnh = Phúc." Cùng lúc Hạnh gặp lại Phúc. Sau những thăm dò, thử thách về thái độ, suy nghĩ và tình cảm, trước khi trở về Mỹ, Hạnh đã nhờ người nhà trao cho Phúc một phong bì trong có một ngàn Mỹ Kim và mấy chữ ngắn gọn, khuyên Phúc xuống dưới hầm, tìm xem thủ bút viết lên trên vách để suy nghĩ lại về mối liên hệ giữa hai người.

"Niềm Riêng Còn Đó". Phượng đấy ư? Tôi thoáng thấy một khuôn mặt rất quen ngồi dựa lưng trước cửa hành lang vào rạp Eden, tay ôm đứa bé ngồi trên gối, trong khi tôi đang chạy lo tìm phương tiện thoát thân trước ngày cuối tháng 4, 1975. Tôi chạy vọt sang, sững trước nàng. Tôi hỏi, nàng không trả lời thành tiếng, mà chỉ gật đầu. Liên tưởng 10 năm về trước, tôi và nàng đã gặp nhau cũng tại nơi này. Sau buổi xem chiếu bóng từ rạp Eden ra. Quen và thương nhau. Mối tình không trọn vẹn, Phượng đã phải lấy chồng theo ý của gia đình nàng. Tôi không dám trách nàng đã phụ tôi, tôi tự an ủi chỉ vì duyên số. Bây giờ gặp Phượng giữa phút dầu sôi lữa bỏng này. Gia đình nàng đâu? Chồng nàng đâu? Tôi hỏi Phượng đi đâu sao chỉ một mình. Nàng im lặng, nước mắt ràn rụa, đứa bé hai tay nắm chặt vạt áo mẹ. Tôi lay vai Phượng như cố đánh thức nàng: "Anh ấy đâu mà Phượng lang thang nơi này." Mãi sau Phượng mới khẽ nói: "Đang đánh nhau ngoài Tần cảng." Ông anh tôi gọi bên kia đường, tôi chạy, tôi không biết làm gì cho phải , giúp nàng, rủ nàng đi ...di tản lúc này. Thương xót cho mẹ con nàng, nhưng hành động này có lỗi đạo đức không? Trong lúc chồng nàng đang chiến đấu bảo vệ thủ đô được bình yên lúc nào hay lúc nấy.

"Cảm Hoài." Tôi yêu cảnh chùa, lại vấn vương theo mầu áo nâu sồng một ni cô, có khuôn mặt trắng bóc, đôi mắt long lanh ướt dưới hai làn long mày mỏng và cong... Tôi không thể không lần mò tới đây, ít ra thời gian cận Tết. Tôi đâu có ngờ trong ngôi chùa cổ lỗ, nghèo nàn này lại có một "tiên cô". Tôi lần mò đứng dựa cửa nhà trai nhìn vào trong, không nhìn thấy nàng đâu. Tôi liền đưa tay bẻ gãy một cành mẫu đơn gần cửa ra vào. Nàng lộ diện và hỏi tôi : "Sao lại bẻ hoa của nhà chùa?" Tôi nói rằng tôi muốn có bông hoa cúng Phật. Ni cô dẫn tôi lên tiền điện theo một hành lang tối tăm, tôi như vô tình đi sát bên ni cô, và nắm nhẹ bàn tay của nàng. Sau lần Tết đó, tôi thường đến vãn cảnh chùa vào mỗi buổi chiều, và tôi không lầm, tiên cô thường lấp ló bên khung cửa sổ ... mà tôi đoán là phòng riêng của nàng. Thế rồi ...tôi nghi nàng đã yêu tôi. Chúng tôi yêu thương nhau vừa một năm thì Hiệp Định Genève được ký. Gia đình tôi quyết định di cư vào Nam. Đêm ba mươi Tết tôi đến chùa để rủ nàng cùng đi, nàng lắc đầu khóc lóc và thú thực nàng là cán bộ cùng sư ông xâm nhập vào chùa. Nàng bế ra một đứa bé mấy tháng trời, trao cho tôi: "Anh đưa con chúng ta đi ...thay cho em..."

Từ "Bông Mai Vàng'' đến "Cảm Hoài", truyện đầu tiên đến truyện cuối gói ghém tự sự của tác giả từ thuở xuân xanh, tình yêu nam nữ bừng cháy, vội vàng.

"Yêu là yêu tất cả/ Sao em còn đắn đo

Yêu là yêu cái đã/ Sao em cứ hẹn hò"

(Tạ Ký).

Những mối tình ... bắt đầu... không về điểm hẹn - Những nuối tiếc ân hận (Kim Liên trong "Bông Mai Vàng") - Những mối tình cao cả (Xuân Dung trong "Xuân Yêu Thương") -Tình yêu và khía cạnh đạo đức - Tình yêu nếu đúng nghĩa cũng không thể gần thương tổn đến bổn phận và nghĩa vụ của người mẹ, người vợ, người cha (Phượng trong "Niềm Riêng Còn Đó. Ni cô trong Cảm Hoài," Hạnh trong "Hệ Lụy thuở xuân thì" - Tình người sáng trong của tuổi trẻ, những xẻ chia khốn lụy với tha nhân (Chị Út trong "Tiếng Hát Trong Đêm") và Xuân Muốn Đi Hay Xuân đang tới."

Hồ Linh chắt chiu từng kỷ niệm, từng đầm ấm đậm nét, từng cảm xúc quá khứ xa xăm còn lắng đọng, xây dựng khá linh động chủ đề tình yêu và một thứ triết lý nhân sinh khinh bạc, khác biệt với quan niệm sống thông thường.

"Anh chỉ có một tình yêu thứ nhất

Đã cho em, nên anh đã mất rồi

Em không nhận thì tình anh cũng mất

Tình đã cho ai lấy lại bao giờ"

(Xuân Diệu).

Với bút pháp dung dị, lượng sự kiện vừa đủ cho mỗi truyện, gọn gàng, xúc tích, dễ gây rung động người đọc. Bằng kinh nghiệm tích lũy qua quá trình sáng tác. 12 tác phẩm truyện ngắn, truyện dài, tùy bút đã được xuất bản trước và sau 1975 đến nay, đã đưa Hồ Linh lên hàng ngũ người viết khoẻ, đều đặn mà cẩn trọng tại hải ngoại. Đó chính là cung cách, thái độ, suy nghĩ của một nhà văn thật sự tự trọng và tôn trọng người đọc. Tìm một tác giả và tác phẩm như Hồ Linh quả hiếm hoi

Tháng 2, 2000
Diên Nghị

.:Trang Chủ:.
Copyright © 2020 - Đọc Truyện - All rights reserved.

Insane